Các thương hiệu Việt lớn đang tìm cơ hội xuất khẩu online
Năm 2012 được dự báo sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh trực tuyến cùng với sự góp mặt của ngày càng nhiều các thương hiệu lớn.
Năm 2011 đã chứng kiến sự lan tỏa rất nhanh của xu hướng bán hàng và dịch vụ trên các website thương mại điện tử (TMĐT) và các mạng xã hội tại Việt Nam dưới nhiều hình thức như B2C, C2C và B2B.
Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Công Thương với 2.004 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy: 100% doanh nghiệp đã ứng dụng TMĐT ở quy mô và cấp độ khác nhau, 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa với mức doanh thu trung bình lên đến 33% trong tổng doanh thu.
Theo ghi nhận của Alibaba.com, sàn TMĐT uy tín hàng đầu thế giới, số thành viên Việt Nam gia nhập sàn TMĐT này cũng đã đạt con số 180 ngàn vào cuối năm 2011. Năm 2012 được dự báo sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh trực tuyến cùng với sự góp mặt của ngày càng nhiều các thương hiệu lớn.
60% | Số thành viên trên Alibaba.com tăng 60% so với năm 2010, từ 14.9 triệu thành viên tháng 11/2010 lên 23.8 triệu thành viên tháng 11/2011. |
50 triệu | Alibaba.com là website B2B duy nhất được Google xếp vào 100 website được truy cập nhiều nhất trên thế giới, với 50 triệu người truy cập mỗi tháng |
32% | Là tỷ lệ số thành viên tại Mỹ và Châu Âu so với tổng số thành viên. Mỹ và Châu Âu là những khu vực có nhiều thành viên nhất trên Alibaba.com. Tiếp theo là Ấn Độ với trên 10% thành viên. |
200% | là số lượng người mua tại Anh tăng lên trong 1 năm qua, trên Alibaba.com. Vào tháng 6/2011, Alibaba đã kỷ niệm thành viên thứ 1 triệu tại Anh. |
Không đứng ngoài xu hướng đó, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang tích cực tham gia các sàn TMĐT để đẩy mạnh xuất khẩu và bước đầu quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Với những lợi thế về không gian, thời gian và chi phí trong thời kỳ nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn chưa có những dấu hiệu khởi sắc, các kênh mua bán trực tuyến thực sự đã trở thành phương tiện tối ưu giúp doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng đưa các sản phẩm của mình tiếp cận các thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Dự đoán về những xu hướng phát triển chính của TMĐT tại Việt Nam trong năm 2012, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc, Công ty OSB - Đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam cho hay: “Theo tôi, năm 2012 trong khi các mô hình TMĐT hướng tới người tiêu dùng như B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng), C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng) và đặc biệt là mô hình mua theo nhóm (Groupon) tiếp tục phát triển theo chiều rộng một cách mạnh mẽ để cạnh tranh chiếm lĩnh phân khúc thị trường nội địa còn rất tiềm năng thì mô hình TMĐT B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đặc biệt là mô hình B2B xuyên biên giới sẽ phát triển theo hướng tập trung và chọn lọc cao”.