Các quốc gia trên thế giới đang ráo riết tích trữ vàng phòng thân
Các Ngân hàng trung ương trên thế giới đang đua nhau tích trữ vàng, trong khi nhiều quốc gia châu Âu yêu cầu thu hồi vàng được ủy thác ở nước ngoài.
Trước Hà Lan, Đức hồi năm 2013 cũng thông báo kế hoạch “hồi hương” phần lớn lượng vàng dự trữ quốc gia đang ở trong kho của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Song khác với Amsterdam, Berlin đã tạm gác ý định đưa 300 tấn vàng trên tổng số 1.500 tấn đang được cất giữ ở New York về nước vì lý do ngoại giao.
Vàng - nguồn dự trữ an toàn
Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương mua vào gần 500 tấn vàng năm 2013, mức kỷ lục kể từ năm 1964, để đa dạng hóa các nguồn dự trữ gồm ngoại tệ, công trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản...
Theo các nhà quan sát, kỷ lục của năm 2013 sẽ được vượt qua trong năm nay, sau khi trong 10 tháng đầu 2014, các nước Đông Âu đua nhau mua vàng.
Nga cũng đã nhập cuộc và hiện nắm giữ số lượng vàng cao nhất kể từ năm 1993 tới nay (khoảng 1.090 tấn).
Vàng không ngừng tăng giá từ sau khủng hoảng tài chính 2008 đến cuối 2013.
Đồng USD cho tới năm 2013 vẫn “mềm giá” so với euro. Lãi suất trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành tương đối thấp và dù kinh doanh USD, euro hay mua trái phiếu Mỹ thì lãi thấp nhưng rủi ro nhiều. Còn kinh tế Eurozone tăng trưởng èo uột, đe dọa những quốc gia thành viên yếu kém nhất bị loại khỏi khối vẫn là một “bản án treo.”
Với một đơn vị tiền tệ đáng tin cậy khác của châu Âu là đồng bảng Anh, thì trong năm 2013 và 2014 đơn vị tiền tệ của nước Anh cũng không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và điều này khiến các ngân hàng trung ương đua nhau tích trữ vàng.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho hay trong bảy tháng liên tiếp tính tới tháng 4/2014, không chỉ Nga mà cả Kazakhstan đã mua thêm vàng để dự trữ.
Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và cả Azerbaidjan cũng như Hy Lạp có xu hướng tích trữ vàng.
Hiện Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sỏ hữu 1.000 tấn vàng, tức 1,6% dự trữ ngoại tệ của nước này. Nhưng nếu một số ý kiến cho rằng dự trữ vàng thực tế của PBOC cao gấp 3 lần con số trên là đúng thì Trung Quốc hiện có lượng vàng dự trữ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ (8.000 tấn).
Đối với hầu hết đơn vị tiền tệ trên thế giới, không còn một đồng tiền nào được cột chặt vào kim loại này. Nhưng theo ông Didier Bruneel - cựu nhân viên Ngân hàng trung ương Pháp (Banque de France) và là tác giả cuốn sách ''Những bí mật của vàng'' - vàng luôn là “biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có và vẫn luôn được coi là phương tiện thanh toán sau cùng được quốc tế công nhận trong mọi trường hợp.
Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 cho tới khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008. Khi khủng hoảng nổ ra, giá vàng lại được đẩy cao chót vót.
Tích trữ vàng đề phòng Eurozone tan vỡ?
Bên cạnh việc các ngân hàng trung ương đua nhau tích trữ vàng, điều đáng chú ý hơn là tại sao gần như cùng một lúc sức ép yêu cầu các quốc gia ở châu Âu thu hồi các khoản vàng đang được ủy thác ở hải ngoại về nước ngày càng mạnh?
Không chỉ có Đức và Hà Lan quan tâm đến lượng vàng dự trữ quốc gia. Tháng 5/2014, Áo cũng yêu cầu kiểm lượng vàng dự trữ ở trong và ngoài nước.
Cuối tháng 11 vừa qua, đảng UDC của Thụy Sỹ yêu cầu trưng cầu dân ý để ngân hàng trung ương phải kiểm kê và thu hồi vàng được cất giữ ở Mỹ, Vương quóc Anh và Canada về nước.
Tại sao đảng Mặt trận Quốc gia Pháp lại yêu cầu Banque de France kiểm kê lượng vàng quốc gia, chủ thể đang nắm giữ vàng của Pháp, và lo ngại nước này có dễ dàng huy động vàng để bảo đảm ổn định tài chính và kinh tế trong trường hợp cấp thiết hay không. Phải chăng có một số nghi ngại về tính vững chắc của một số đơn vị tiền tệ, mà đứng đầu là đồng euro?
Thông thường, quyết định chuyển vàng cất giữ ở nước ngoài về nước diễn ra một cách kín đáo, như Hà Lan. Chỉ riêng tại Đức, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) vốn rất kín tiếng về lượng vàng và địa điểm cất trữ,… nhưng lần này lại “khua chiêng” về chuyện đưa vàng về nước.
Phải chăng Đức không còn tin cậy vào đối tác tài chính Mỹ để gửi gắm gần 50% kho vàng quốc gia? Thông tin Bundesbank có kế hoạch thu hồi vàng về Frankfurt đã lập tức được nhiều trang mạng bình luận rộng rãi và một số ý kiến đã nói tới “hồi kết không xa của Eurozone.”
Có những bài viết nêu lên đe dọa châu Âu bị chao đảo, trước khả năng nước Anh từng bước rút lui khỏi EU. Một số khác lại lo ngại rủi ro đến từ Italy khi chính sách của Thủ tướng Matteo Renzi không vực dậy nổi nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone.
Một số người bi quan hơn còn cho rằng đến một lúc nào đó, Đức sẽ “bỏ chạy khỏi Eurozone” để cứu lấy thân, để mặc cho các đối tác châu Âu ngập chìm trong nợ công.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Gael Giraud thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS nhận định, nợ tư nhân trong Eurozone đang bùng nổ và đây sẽ là "quả bom nổ chậm" đe dọa cả khu vực.
Tóm lại chỉ riêng đối với Eurozone, không mấy ai nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho khu vực này nhưng tất cả giả thuyết về sự bùng nổ của khối, dù có đáng tin cậy hay không, cũng không thể giải thích vì sao, một số các quốc gia có khuynh hướng chuyển vàng về nước. Đơn giản vì nếu muốn sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán quốc tế, thì việc cất giữ vàng ở trong hay ngoài nước hoàn toàn không quan trọng.
Giữ vàng “đón đầu” thế giới trở lại với bản vị vàng?
Về lập luận cho rằng, đồng USD đang mất dần vai trò trên sân khấu quốc tế và trong một tương lai không xa bản vị vàng sẽ hồi sinh, tức là một quốc gia sẽ “neo gắn” đồng nội tệ vào giá vàng, các chuyên gia nêu lên ít nhất hai lý do cho thấy kịch bản đó không thể xảy tới.
Lý do thứ nhất bản vị vàng chỉ có thể được khôi phục lại với đồng thuận của tất cả quốc gia trên thế giới. Thứ hai là cho dù USD có mất vai trò dự trữ ngoại tệ quốc như điều đã xảy tới với đồng bảng Anh xưa kia, thì điều này cũng chỉ diễn ra từng bước và trong trường hợp đó, thế giới sẽ ngày càng chú ý tới những đồng tiền mạnh khác, như là đồng euro hay nhân dân tệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng trở lại với bản vị vàng là điều không tưởng vì những lý do chính trị: Trở lại với bản vị vàng, có nghĩa là gián tiếp trao cho cho các quốc gia có những mỏ vàng lớn nhất trên thế giới như Venezuela, Nga, Trung Quốc, Nam Phi,… trọng trách “in tiền” cho thế giới. Điều đó chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra!
Trung Quốc tích lũy vàng để tạo sức mạnh cho đồng tiền
Một điều không thể phủ nhận là đến nay, vàng vẫn là biểu tượng của sức mạnh và ổn định tài chính, kinh tế.
Theo WGC, Trung Quốc năm 2013 đã mua vào hơn 1.000 tấn vàng, nhiều hơn cả Ấn Độ và chỉ trong hai năm Bắc Kinh đã mua vào một lượng vàng tương đương với những gì mà Ngân hàng trung ương Pháp đang cất giấu trong kho.
Trung Quốc không che giấu tham vọng sở hữu một núi vàng để đồng nhân dân tệ đủ sức cạnh tranh với USD.
Trung Quốc thông báo đang nắm giữ hơn 1.000 tấn vàng, nhưng theo báo cáo mới nhất của WGC, kho vàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tương xứng vị thế.
Trong 2,5 năm, Trung Quốc đã mua vào đến 2.500 tấn vàng. Chưa kể nước này cũng là một trong những quốc gia có nhiều mỏ vàng, có thể sản xuất tới 430 tấn/năm.
Nếu theo dõi sát các hoạt động tài chính của Trung Quốc trên thị trường Hong Kong, tới nay Trung Quốc đã tích lũy được gần 3.500 tấn vàng, chỉ sau Mỹ, nhưng trước Đức và Pháp.
Thị trường vàng Thượng Hải Shanghai Gold Exchange mới chỉ ra đời năm 2002, nhưng tới nay đã trở thành thị trường quan trọng nhất của thế giới.
Năm 2013, Trung Quốc mua vào 23% vàng của thế giới. Thượng Hải và Singapore - hai thị trường vàng lớn nhất thế giới đều ở châu Á.
Giới phân tích dự đoán với xu hướng trên thì chỉ tới năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt qua cả Mỹ để kiểm soát nguồn dự trữ vàng lớn nhất hành tinh và đây là một bước chuẩn bị của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho thời kỳ “hậu USD.”
Theo báo Les Echos (Pháp) số ra ngày 8/11/2013, PBOC đang từng bước dùng vàng thay thế khoản dự trữ ngoại tệ bằng USD.
Vàng được coi là ổn định hơn và dễ sử dụng hơn một khi đồng nhân dân tệ được chuyển đổi. Khi đó, không còn trở ngại nào để nhân dân tệ cạnh cạnh với USD.
Trước đó, Tân Hoa xã cũng đưa tin về khả năng “phi USD hóa” để nhân dân tệ ngày càng trở thành đơn vị thanh toán trên các thị trường nguyên-nhiên liệu của thế giới.
Theo A.Q