Các ông lớn doanh nghiệp Việt lạc quan với cơ hội từ TPP
(Dân trí) - Theo khảo sát của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 do Vienam Report thực hiện cho biết: đa số doanh nghiệp lớn Việt Nam lạc quan trước những tác động lớn khi Việt Nam hoàn tất gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Báo cáo cho hay trải qua các năm kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp (DN) lớn trong nước dần lấy lại niềm tin, lạc quan và có nhiều động lực hướng tới TPP. Nhiều DN coi đây là cơ hội để gia tăng lợi thế xuất khẩu và xâm nhập vào nhiều thị trường lớn.
Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế năm 2016 ở mức 6,7%, lạm phát (CPI) dưới 5%, có tới 48,1% doanh nghiệp lớn Việt Nam lạc quan và tin tưởng vào tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý I/2016 cũng như 5 năm tới. Còn 9% tỏ ra bi quan hơn, số còn lại sẽ kiên trì giữ vững ổn định như năm 2015 để tạo đà cho các năm tiếp theo.
Nhìn lại năm 2015, hơn 57% DN cho biết, sản xuất - kinh doanh có chuyển biến tích cực, trong có tới 44% nhận định: kết quả kinh doanh sẽ tốt lên trong vòng 5 năm nữa. Đặc biệt, hơn 88% các DN lớn Việt Nam đồng tình với các cam kết về cạnh tranh của Viêt Nam (như nguyên tắc chống độc quyền, cạnh tranh lành mạnh…), các DN này lạc quan về các cam kết mà Việt Nam sẽ đạt được khi tham gia vào sân chơi lớn, nơi có 11 cường quốc kinh tế hàng đầu.
Đặc biệt, gần 90% DN đồng tình với cam kết doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các doanh nghiệp tư nhân. Gần 80% các DN đồng tình với kế hoạch tự do hóa thị trường, cắt giảm thuế quan và các lộ trình miễn giảm thuế đối với hàng nước ngoài bởi họ cho rằng có thể cạnh tranh được với nước ngoài.
Một điểm khá bất ngờ là, khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với các đối thủ thuộc khối TPP, các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra tự tin vào tiềm lực và khả năng của mình. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam tự tin nhất vào yếu tố nguồn cung ổn định.
Tuy nhiên, các DN cũng chỉ rõ thể chế kinh tế của Việt Nam còn nhiều tồn tại, yếu kém nhất là thủ tục hành chính và gánh nặng chi phí. Hơn 77% DN kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi thể chế kinh tế theo hướng tinh gọn, nhanh nhạy và hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. Các chính sách về tiếp cận thông tin, minh bạch hóa các quy định, chính sách, thông tin cũng là điều khiến nhiều DN lo ngại trong thời gian tới. Nhiều DN nhận định, lo ngại nhất ở Việt Nam là chính sách và luật lệ thay đổi nhanh. Nhiều DN không kịp trở tay với sự thay đổi của Luật, Thông tư hay Nghị định khi mà nhiều chính sách sau không phát triển và kế thừa chính sách trước.
Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ DN Việt Nam thông qua chính sách giảm, miễn thuế với ngành nghề ưu tiên, trọng điểm cũng được đặt ra. Hơn 60% DN nêu quan điểm cần hỗ trợ tín dụng thông qua nguồn vốn rẻ, lãi suất thấp và xây dựng cơ chế vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm để hiện thực hóa các ý tưởng của doanh nhân, doanh nghiệp, xây dựng những DN lớn trong tương lai.
Mặc dù, báo cáo khảo sát có chọn lọc và đưa ra khá đầy đủ bức tranh cơ hội, thách thức của DN lớn Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang có đến hơn 90% DN thuộc dạng vừa, nhỏ và dạng siêu nhỏ.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015, xét về quy mô doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện chỉ có 2% DN thuộc diện lớn, tức là trong 500.000 DN đang hoạt động hiện nay chỉ có khoảng 10.000 DN cỡ lớn. Con số này thấp hơn so với trung bình chung các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore khi tỷ lệ DN cỡ lớn của họ chiếm từ 10 – 35% cơ cấu DN.
Đặc biệt, theo đánh giá của VCCI và Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương, quan ngại hơn là các DN Việt Nam cỡ lớn và vừa đang có xu hướng thu hẹp hoạt động, teo nhỏ lại. Đại bộ phận DN này đã gặp rất nhiều thách thức trong năm 2015 và đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong những năm tiếp về vấn đề: tăng trưởng, phát triển bền vững; vốn ít và vay vốn lãi suất cao; trình độ quản lý yếu kém, lạc hậu và thị trường bị cạnh tranh gay gắt…
Nguyễn Tuyền