Các nhà đầu tư tài chính New York chú ý đến VN
Lần đầu tiên, Tập đoàn tài chính khổng lồ JP Morgan Chase đã dành riêng một phiên họp toàn thể về đầu tư chứng khoán tại VN và mời Sacombank đến trình bày tại một cuộc họp chuyên đề nhằm đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư muốn biết cơ hội đầu tư vào VN.
Sriyan Pietrsz, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của JP Morgan, cho biết điện thoại của ông không ngớt reo vì có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến VN. Chỉ việc có một phiên họp riêng về VN trong hội nghị này đã là chỉ dẫn về vị thế đang tăng lên của nền kinh tế VN.
Sáng 25/9, ngày họp đầu tiên, Hội nghị thường niên lần thứ 11 về đầu tư chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở New York (Mỹ) bà Phạm Bích Vân, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã có buổi trình bày rất thành công trước đông đảo các nhà đầu tư quan tâm đến VN. Đã có đến hơn 20 nhà đầu tư đến gặp bà Vân để tìm hiểu về các cơ hội làm ăn cụ thể với Sacombank.
Chiều 26/9, tại hội trường lớn đã diễn ra phiên họp về VN với chủ đề “Bắt tay với VN - con rồng đang bay lên”. Tiến sĩ David G.Fernandez, Giám đốc điều hành của JP Morgan, chủ trì cuộc họp. Hai diễn giả trình bày về kinh tế VN là Dominic Scriven, người đồng sáng lập Quỹ Dragon hoạt động ở VN, và tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia cao cấp của VN. Khoảng 100 nhà đầu tư đã đến dự.
Các diễn giả đã trình bày những mặt mạnh và yếu của kinh tế VN, nêu bật tốc độ tăng trưởng cao, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, các lợi thế về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và được đào tạo, sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán...
Cùng với các ngân hàng và tập đoàn tài chính khác, mới đây tập đoàn đầu tư lớn nhất hành tinh Goldman - Sachs đã dự báo rất tích cực về triển vọng tốt đẹp của kinh tế VN và dự báo đến năm 2025, kinh tế VN sẽ có quy mô thứ 17 trong các nền kinh tế trên thế giới. Không khí chung là lạc quan và thuận lợi nếu nhìn trên những nét cơ bản và dài hạn.
Các nhà đầu tư đã đề ra rất nhiều câu hỏi về môi trường pháp lý, tỷ lệ đầu tư tối đa cho phép đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại quốc doanh, về trường hợp Ngân hàng Ambro có phải là hình sự hóa các hoạt động tài chính không, về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, quyền của họ trong quản trị công ty nếu họ chỉ được mua 30% cổ phần...
Sau cuộc họp, nhiều nhà đầu tư còn vây quanh hai diễn giả tiếp tục trao đổi sôi nổi về các vấn đề họ quan tâm.
Nhận thức chung là hệ thống tài chính của VN phát triển chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ thống bảo hiểm, ngân hàng còn kém phát triển. Quá trình cổ phần hóa nhà nước còn chậm... Tất cả các yếu tố đó, nếu được cải thiện sẽ trở thành cơ hội thu hút đầu tư tài chính của các nhà đầu tư ở New York.
JP Morgan rất hài lòng với kết quả cuộc họp. Tiếp theo hội nghị trên, ngay trong tháng 10 này một giám đốc nghiên cứu sẽ sang VN để tìm hiểu thêm tình hình. Ngay tại hội nghị này họ đã công bố sẽ tổ chức vào tháng 4/2007 tại Bắc Kinh một cuộc họp, và nối dài bằng một chuyến thăm VN.
Giám đốc của Tập đoàn JP Morgan nhấn mạnh: "Các nhà đầu tư quan tâm đến VN là một cơ hội lớn cho VN , một cơ hội không phải nước nào cũng có. Mong VN tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và đưa nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa để có đủ “hàng hóa” đáp ứng nhu cầu tăng lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư chứng khoán. Rất mong cơ hội này không bị bỏ lỡ".
TS Lê Đăng Doanh
Báo Tuổi trẻ