1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các ngân hàng Việt Nam đang phát triển đột phá, sẽ mở rộng quy mô ra nước ngoài

(Dân trí) - Ngành ngân hàng Việt Nam đang có sự thay đổi đột phá, hoạt động năng động và hiệu quả, tăng trưởng vượt trội về quy mô và độ bao phủ khách hàng. Các ngân hàng có thể sáp nhập để tăng quy mô và tăng cạnh tranh, từng bước vươn ra hoạt động trong khu vực, trọng tâm là khu vực ASEAN.

Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cho biết như vậy, nhân sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các ngân hàng châu Á lần thứ 17.


Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank

Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank

Việt Nam đang nổi lên là một nền kinh tế chủ chốt ở châu Á với nền kinh tế phát triển cùng nhiều cải cách và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dài hạn bền vững. Là một trong những nhà tài trợ chính của Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng châu Á 2016, ông đánh giá gì về tiềm năng của Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng phát triển dồi dào về địa lý, con người và thể chế. Về địa lý, Việt Nam có một vị trí chiến lược tại châu Á và khu vực Đông Nam Á, có tiềm năng phát triển kinh tế và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đang hình thành, liên kết các chuỗi cung ứng ở cấp độ khu vực.

Về con người, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng (demographic dividend) kéo dài từ 20 - 30 năm, là giai đoạn lý tưởng nhất của một nền kinh tế, bên cạnh lực lượng lao động lớn và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao.

Về thể chế, Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong nước qua việc tham gia đàm phán và kí kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó không chỉ mở mang thị trường xuất khẩu cho Việt Nam mà còn tạo cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới. Với những tiềm năng như vậy, Việt Nam có thể là một nền kinh tế chủ chốt và là tác nhân gây thay đổi ở châu Á.

Số hóa đang buộc các ngân hàng phải trải qua sự chuyển đổi lớn nhất trong lịch sử. Có phải chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng vĩ đại nhất của ngành ngân hàng ở châu Á hay không? Làm thế nào để ngân hàng Việt Nam đáp ứng được những thách thức trong thời đại kỹ thuật số? Ông tiên liệu thế nào về ngành ngân hàng Việt Nam với kỹ thuật số trong dài hạn?

Ngành ngân hàng châu Á đang đứng trước bước ngoặt lớn tạo ra bởi trào lưu số hóa, làm thay đổi về cơ bản và toàn diện hoạt động của các ngân hàng trong khu vực.

Điều này tạo ra nhiều thách thức đối với hệ thống ngân hàng tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong việc bắt kịp và làm chủ công nghệ, tích hợp vào hoạt động ngân hàng và triển khai tới người sử dụng. Những thách thức này đòi hỏi ngành ngân hàng Việt Nam chủ động liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để áp dụng các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến vào hoạt động của mình. Hội nghị thượng đỉnh The Asian Banker là một cơ hội tốt để các các ngân hàng Việt Nam tiếp cận, cập nhật, và làm giàu thêm nhận thức với các xu hướng mới trong lĩnh vực ngân hàng tài chính của châu Á và thế giới.

Với kỹ thuật số, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ thay đổi to lớn trong tương lai. Đơn cử, việc giao dịch có thể được thực hiện qua các thiết bị di động kết nối mạng; các chứng từ hóa đơn được lưu trữ bằng kỹ thuật số, giảm chi phí giao dịch, lưu trữ và tăng cường tính linh hoạt, liên tục của hoạt động kinh tế. Thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn, sự hiện hữu vật lý của chi nhánh, phòng giao dịch cũng ít cần thiết hơn.

Quan điểm của ông về tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam?

Trong tương lai, ngành ngân hàng Việt Nam có sự thay đổi đột phá, hoạt động năng động và hiệu quả.

Thứ nhất, có sự tăng trưởng vượt trội về quy mô và độ bao phủ khách hàng. Các ngân hàng (NH) có thể sáp nhập để tăng quy mô và tăng cạnh tranh; từng bước vươn ra hoạt động trong khu vực, trọng tâm là khu vực ASEAN.

Thứ hai, có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng các sản phẩm dịch vụ tài chính, hiện diện tại phần lớn hoạt động thanh toán và giao dịch trong nền kinh tế.

Thứ ba, các ngân hàng từng bước đạt lợi thế theo quy mô, quản trị hiện đại, quản lý chi phí hiệu quả, thời gian giao dịch nhanh chóng, tiện lợi.

Thứ tư, sự tham gia sâu hơn của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chiến lược trong cơ cấu cổ đông của các ngân hàng; cũng là nhân tố thúc đẩy các NH hoạt động chuyên nghiệp, phù hợp với kỳ vọng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông có thể cho biết đánh giá của mình về tình hình hiện tại của ngành ngân hàng và tài chính ở Việt Nam không?

Sau một thời gian cơ cấu lại, hệ thống ngân hàng chất lượng hoạt động của các TCTD có nhiều chuyển biến tích cực và không ngừng được cải thiện: thanh khoản được đảm bảo, nợ xấu đã được kiềm chế và đẩy lùi, sở hữu chéo được xử lý, góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên nền tảng đó, huy động vốn từ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng cao trở lại, tín dụng tăng trưởng bền vững theo hướng tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu và thanh toán đều tăng trưởng mạnh. Các ngân hàng tiếp tục mở rộng mạnh mạng lưới hoạt động.

Nợ xấu quá khứ đang được tích cực thu hồi, kết quả thu hồi nợ xấu có dấu hiệu khả quan. Các NH cũng tích cực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Nợ xấu mới được kiểm soát chặt chẽ và hoàn toàn trong giới hạn bình thường.

Lợi nhuận ngành ngân hàng từng bước hồi phục, củng cố năng lực cạnh tranh.

Các NH có lộ trình tăng vốn để củng cố năng lực tài chính và tạo thêm tiền đề cho tăng trưởng trong tương lai.

Vậy trước sức ép thoái vốn và giảm sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại theo quy định của chính phủ, kế hoạch về thoái vốn và sát nhập của Vietcombank về lâu dài sẽ như thế nào?

Kế hoạch thoái vốn và sát nhập của Vietcombank về lâu dài dựa trên chiến lược phát triển kinh doanh của Vietcombank đến 2020 đã được thông qua, các quy định của cơ quan quản lý về tỷ lệ sở hữu tại các TCTD khác, và diễn biến thực tế trên thị trường chứng khoán và hoạt động kinh doanh của các TCTD.

Kế hoạch trong thời gian sắp tới của Vietcombank là không góp vốn đầu tư thêm và từng bước thoái vốn khỏi 5 TCTD mà VCB hiện đang sở hữu cổ phần theo lộ trình được NHNN duyệt. Theo đó, việc thoái vốn có tính đến điều kiện thị trường và tối đa hóa lợi ích đầu tư cho VCB.

Về tăng vốn, Vietcombank đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức để tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng yêu cầu của Basel II và cao hơn.

Về sáp nhập, VCB không loại trừ khả năng M&A với một ngân hàng mạnh trong nước, có thế mạnh bán lẻ và mạng lưới bổ sung mạnh mẽ cho thế mạnh hiện tại của VCB; phù hợp với chiến lược số 1 về bán lẻ và số 2 về bán buôn của NH trong tương lai không xa.

Theo ông, làm thế nào để tăng cường sự liên kết giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại đối với sự phát triển bền vững của ngân hàng và ngành tài chính tại Việt Nam?

Về phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ, NHNN với các NHTM về chính sách trong từng thời kỳ, trên cơ sở tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thông qua tăng cường trao đổi, đối thoại lẫn nhau. Duy trì tính nhất quán, minh bạch, rõ ràng trong quy định và điều hành, ổn định môi trường kinh doanh, là cơ sở để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững dựa trên các kỳ vọng hợp lý

Về phía các ngân hàng thương mại, tăng cường áp dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại, nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đưa các tiến bộ về công nghệ và sáng tạo thành động lực cơ bản trong tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các NHTM cần nâng cao tính an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, giảm thiểu tính dao động của chu kỳ kinh tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Các ngân hàng Việt Nam đang phát triển đột phá, sẽ mở rộng quy mô ra nước ngoài - 2