Các ngân hàng thương mại chần chừ hạ lãi suất
Phát pháo hạ lãi suất huy động của Vietcombank đang được chờ đợi sẽ gây ra một cuộc đua hạ lãi suất và đích đến cuối cùng là kỳ vọng hạ lãi suất cho vay.
Theo quan sát, hầu hết các NH cho biết còn phải thăm dò động thái thị trường trước khi quyết định thực hiện giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, NH này cũng đang xem xét tình hình thêm vài ngày tới mới có thể đưa ra quyết định cụ thể. Vì hiện nay, tốc độ cho vay đối với DN cũng chưa tăng mạnh lắm. Đại diện một số NHTMCP ở TPHCM cũng cho biết, hiện nay họ vẫn chưa có động thái gì.
Tuy nhiên, cũng có tâm lý lo lắng việc giảm lãi suất huy động mạnh sẽ có thể tạo ra rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện nay. Một lãnh đạo NHTMCP ở TPHCM cho rằng, không dễ để có một cuộc đua về hạ lãi suất. Mỗi NH có một chiến lược riêng. Các NH lớn có thanh khoản ổn định trong thời gian qua nên việc hạ lãi suất huy động để tìm đường thông đầu ra là điều có thể hiểu. Tuy nhiên, với các NH nhỏ thì chúng tôi cần có sự tính toán thiệt hơn.
Để có thể hạ lãi suất xuống mức 5 hay 6% không phải là điều khó, nhưng quan trọng là ai dám chắc một khi lãi suất giảm mạnh như vậy sẽ không có chuyện khách hàng rút tiền đầu tư vào kênh khác? Trong khi đó, ở phía đầu ra hiện nay thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN không phải ai cũng làm ăn có hiệu quả. DN tốt thì phòng thủ, hoặc có kênh vay vốn khác, những DN đang cố vay tiền bằng mọi giá thường có vấn đề về tài chính, hoặc có nhu cầu vốn để đáo nợ, cho vay NH phải đối mặt rủi ro nguy cơ mất vốn. Những điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính thanh khoản hệ thống, đặc biệt là với các NH nhỏ vẫn đang trong tình trạng lấy ngắn nuôi dài. Do đó giảm lãi suất hay không trong bối cảnh hiện nay còn tuỳ thuộc vào nhiều vấn đề, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Giải quyết dòng vốn bị ứ đang thật sự là câu hỏi khó với các NH. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong 4 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TPHCM mới tăng 1,55% trong khi huy động vốn tăng 4,06% nên các NH vẫn đang trong tình trạng ứ đọng vốn nhưng không thể cho vay. Mặc dù TPHCM đã tích cực áp dụng các biện pháp kết nối giữa DN và NH nhưng dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng thấp.
Một số lãnh đạo NH than thở, dù đã điều chỉnh mức lãi suất về mức khá hấp dẫn nhưng tình hình giải ngân của các NH hiện vẫn còn khá chậm. Nhiều NH vẫn chưa tăng trưởng tín dụng, thậm chí vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH Eximbank - cho biết, Eximbank đẩy mạnh cho vay và có các gói cho vay lãi suất chỉ 8% - 9% nhưng giải ngân rất khó khăn vì không có nhiều DN vay. Sacombank cũng chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12% dù rằng NH này đang đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi cho DN.
Về phần các DN thì vẫn tỏ ra thờ ơ với các thông tin về hạ lãi suất huy động. Một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu ở Tân Bình, TPHCM cho biết, không nói về chuyện đầu ra khó khăn, không dám vay vốn. Chỉ nói chuyện lâu nay lãi suất huy động đã giảm nhiều lần nhưng với những khoản vay cũ, NH vẫn phải gánh lãi suất cao. Để có thể tham gia vay những gói lãi suất ưu đãi thì không dễ gì đáp ứng điều kiện, NH nào dễ tiếp cận thì lại phải tốn phí.
Kết quả khảo sát các DN thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM được thực hiện trong những tháng đầu năm 2013 đã cho thấy: 84% DN cho rằng gặp khó khăn do chi phí, lệ phí và thuế còn khá cao; 76% cho rằng chi phí lãi vay NH quá cao. Trong đó, nhiều DN cho biết còn vay với lãi suất 19 - 21%/năm; 64% DNNVV nói khó tiếp cận vốn vay NH vì các điều kiện để NH đánh giá tín nhiệm để được vay đã sử dụng hết, tài sản thế chấp không còn.
Theo Gia Miêu