Các ngân hàng đã "đổ" 144.000 tỷ đồng vào EVN

(Dân trí) - Cùng với hàng loạt ưu đãi về lãi suất, tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng - mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo dự báo, nhu cầu điện của Việt Nam tăng khoảng14-15% mỗi năm giai đoạn 2010-2025, do vậy, để đảm bảo sự phát triển điện trong những thập kỷ tới, cần thiết huy động nguồn vốn rất lớn. Nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch điện VII giai đoạn 2011 - 2020 là 929.700 tỷ đồng (khoảng 48,8 tỷ USD, tức bình quân 4,88 tỷ USD/ năm).

Các ngân hàng đã đổ 144.000 tỷ đồng vào EVN

Ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng NHNN tại Hội nghị về vốn cho các dự án điện sáng 13/12: Ngành điện tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế.

Ưu đãi lớn, hiệu suất thấp

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tiểu thương “chợ kiểu mới” Hà Nội lũ lượt ngừng kinh doanh

Muốn xử lý nợ xấu nhanh, phải có dòng tiền mới

Bồi thường hơn 16.750 tỷ đồng tại khu đô thị Thủ Thiêm

Vinamilk đổ thêm vốn cho công ty sữa tại New Zealand

Tại Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách" diễn ra sáng nay (13/12), ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. 

Đối với dự án thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, NHNN đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng. 

Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án thủy điện Sơn La. Trong suốt quá trình triển khai dự án, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ vốn cho dự án triển khai đúng tiến độ, kể cả khi việc huy động vốn trên thị trường căng thẳng, khó khăn. 

Đối với dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 32.000 tỷ - đây được đánh là lượng vốn rất lớn trong nỗ lực của ngành ngân hàng hỗ trợ cho ngành điện.

Ngoài ra, trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các NHTMNN đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và chia sẻ một phần lợi ích. Đến giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, NHNN lại yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp điện lực được các NHTM xem xét miễn giảm lãi suất và gia hạn nợ theo chủ trương của NHNN để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cho rằng, thiếu điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, do đó, ngành ngân hàng cũng đã ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các dự án, công trình điện, đặc biệt các dự án, công trình cấp bách, các dự án đảm bảo điện cho TP. Hà Nội và đảm bảo điện cho khu vực phía Nam. Việc giải quyết vốn cho các dự án điện luôn được NHNN đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế - ông Dương đánh giá.

Ông Dương cũng cho biết, tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng - đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Mặc dù vậy, đánh giá về đặc điểm của các dự án điện ở Việt Nam, các đại biểu tham dự Hội thảo sáng này đều chung nhận định, đó là vốn đầu tư rất lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế. Vì vậy, tính hấp dẫn không cao, khó thu hút được nhiều vốn trong và ngoài nước. 

Vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay. Trong khi đó, phần lớn các dự án điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn.

Hàng loạt kiến nghị xin được mở rộng ưu đãi

Cùng góp tham luận tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, riêng giai đoạn 2011 - 2015, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn ở mức 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/ năm); trong đó, nhu cầu vốn đầu tư thuần là 378.800 tỷ đồng (đầu tư cho các dự án nguồn điện 225.282 tỷ đồng, chiếm 59,6%) và phần trả nợ gốc và lãi vay lên tới 130.668 tỷ đồng.

Phần trả nợ gốc và lãi vay của EVN trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 198.000 tỷ đồng và tổng hợp cả giai đoạn 2011-2020 là 330.500 tỷ đồng.

Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN.
Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 3 năm 2011-2013 đã đạt mức 240.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện ước khoảng 106.000 tỷ đồng. Cho đến nay, Tập đoàn đã thu xếp, ký kết được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với các tổ chức tài chính quốc tế đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2015.

Qua tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, song phương như ADB, WB, AFD, JICA, KfW..., Tập đoàn đã ký được nhiều hiệp định vay vốn ODA và vốn vay thương mại quốc tế. Đồng thời, cũng nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tìm kiếm nguồn vốn cũng như trong chuẩn bị thủ tục và phê duyệt khoản vay.

Hiện tại, ngoài 3 dự án thuỷ điện (gồm thủy điện Trung Sơn vay vốn WB, thủy điện Sông Bung 2 vay vốn ADB, thủy điện Sông Bung 4 vay vốn NEXI), các dự án nguồn điện vay vốn nước ngoài chủ yếu là các dự án nhiệt điện than, khí.

Tuy nhiên, theo ông Thành, thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết cho đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài nên có ảnh hưởng đến nhu cầu giải ngân của dự án. EVN thường phải ứng vốn để thực hiện trong giai đoạn ban đầu. Mặt khác, với tình hình tài chính của EVN hiện tại thì các chỉ số tài chính sẽ không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ nên sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán ký kết hợp đồng vay.

Cũng theo ông Thành, đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Phía EVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên; cũng như tiếp tục cho phép các Ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng.

Ngoài ra, EVN còn đưa ra một loạt đề xuất, muốn Chính phủ cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước; có cơ chế đặc biệt đối với Tập đoàn trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế; đồng thời nghiên cứu rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các ngân hàng thương mại trong nước, EVN đề xuất xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ phê duyệt và muốn các ngân hàng giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước