“Hầu hết ngân hàng đã cho EVN vay vượt giới hạn tín dụng”
(Dân trí) - Cần 5-6 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2013-2015 và 7-8 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2015-2020, nhưng EVN cho biết, trong khi huy động vốn ngoại nhiều rủi ro thì trong nước hầu hết ngân hàng đã cho EVN vay vượt giới hạn.
Đến 2015, EVN cần mỗi năm từ 5-6 tỷ USD.
Tại Hội thảo “Tiếp cận các phương án tài chính và Cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco)” vừa diễn ra giữa EVN và Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, với Quy hoạch điện VII, nguồn tài chính cần có để đảm bảo đầu tư cho các dự án của toàn Tập đoàn giai đoạn 2013 - 2015 là khoảng từ 5 - 6 tỷ USD/năm; giai đoạn 2015 - 2020 là khoảng từ 7 - 8 tỷ USD/năm.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông Tri đánh giá, đây thực sự là “những con số thách thức” đối với EVN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng khẳng định về mục tiêu tìm kiếm, tiếp cận các giải pháp tài chính bền vững. Theo đó, EVN đang và sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp tài chính bền vững đầu tư cho các dự án nguồn điện lớn theo Quy hoạch điện VII, trong đó, cổ phần hóa các EVN GENCO được xem như là một hướng đi cần thiết.
Về vấn đề này, ông Lê Xuân Nam - Kế toán trưởng của EVN cho hay, mặc dù nhu cầu đầu tư càng ngày càng lớn, nhưng khả năng tiếp cận các nguồn vốn của EVN lại rất khó khăn. Một mặt do các quy định hiện hành, mặt khác còn do chưa có cơ chế rõ ràng cho hoạt động dự báo biến động về lãi suất, tỷ giá... nên nếu EVN huy động dòng vốn ngoại thì rủi ro cũng rất cao.
Không chỉ nguồn vốn vay ngoại tệ, mà đối với nguồn tài chính trong nước, hầu hết các ngân hàng đã cho EVN vay vượt giới hạn tín dụng thông thường đối với 1 khách hàng. Vì vậy, nếu muốn cho EVN vay, các ngân hàng trong nước đều phải trình Thủ tướng Chính phủ, xin cơ chế riêng. Ngoài ra, các nguồn vốn hỗ trợ khác cũng rất hạn chế, không đủ để có thể xem như là một giải pháp thay thế khi cần.
Về phía WB, trước những khó khăn của EVN hiện nay trong việc huy động nguồn vốn “khổng lồ” để cho đầu tư nguồn điện, bà Victoria Kwakwa cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà rất nhiều nước đang phát triển khác ở Châu Á cũng đã và đang phải đối diện với thực trạng này. Chính phủ không và thực tế là sẽ không thể mãi mãi “cấp vốn” cho ngành Điện được.
“Các bạn cũng không thể trông chờ vào 1 ngân hàng nào đó, hoặc 1 tổ chức tài chính/nguồn vốn ODA cụ thể nào đó, để đầu tư lâu dài được. Vì vậy, các bạn cần một giải pháp tổng thể để đảm bảo huy động nguồn vốn lâu dài”, theo bà Victoria Kwakwa.
Trong khi đó, ông John Roome - Giám đốc Khối phát triển bền vững khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB đặt ra câu hỏi, EVN sẽ phải lựa chọn giữa hai hướng đi, một là đầu tư thách thức (đầu tư trong khó khăn, rủi ro), hoặc là không đầu tư để dẫn đến thiếu điện?
Theo bà Kwakwa, trước hết, để cải cách ngành Điện, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đều phải dẫn tới việc tham gia của thành phần tư nhân (IPS) vào lĩnh vực phát điện, cụ thể, đối với Việt Nam là cổ phần hóa các EVN GENCO.
Tuy nhiên, theo như nhận định của các chuyên gia trong ngành thì với những đặc thù riêng ở Việt Nam, rất khó để có thể áp dụng IPS đối với các EVN GENCO như các nước phát triển, và cổ phần hóa các GENCO (có lộ trình) là một hướng đi phù hợp theo xu thế thị trường, đảm bảo các giải pháp tài chính bền vững, lâu dài hơn cả.
Bích Diệp