Các cửa hàng kinh doanh thời trang Trung Quốc "méo mặt" vì tắc biên
(Dân trí) - Nửa tháng trở lại đây, các cửa hàng bán hàng thời trang, nhận đặt hàng hàng Quảng Châu (Trung Quốc) liên tục thông báo cáo lỗi với khách hàng do hàng về chậm hơn so với thường lệ do hàng bị ách tắc ở biên giới.
Thương mại giữa Việt Nam và người láng giềng Trung Quốc đã được hình thành và phát triển trong một thời gian dài. Hiện nay, nguồn hàng của rất nhiều các mặt hàng kinh doanh ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, đáng kể nhất là các mặt hàng đồ gia dụng hay quần áo, phụ kiện thời trang với đủ các loại mẫu mã, kiểu dáng và hợp với thị hiếu được "dân buôn" nhập về bán.
Vào dịp cuối năm, do hàng hóa về nhiều khiến tuyến đường vận chuyển hàng hóa tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng tắc biên. Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, các cửa hàng bán hàng thời trang, nhận "order" (đặt hàng) hàng Quảng Châu liên tục thông báo cáo lỗi với khách hàng do hàng về chậm hơn so với thường lệ, khiến các đơn hàng không được giao đúng như đã hẹn trước.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Chị NM, chủ một chuỗi cửa hàng đồ thời trang khác tại Hà Nội chia sẻ: "Cả ngày cứ quẩn quanh bên shop đợi hàng về. Năm nay con buôn chắc chết đói rồi, lại phải xoay sang nghề khác thôi". Hiện, để giữ chân khách hàng, shop của NM đã phải chuyển thêm hướng sang bán hàng tự thiết kế, tìm nguồn hàng Việt Nam xuất khẩu và tính mở quán cà phê kinh doanh.
Một website làm dịch vụ order hàng Quảng Châu ra thông báo cho biết, tình trạng này là diễn biến chung vì hàng hóa cuối năm về nhiều hơn thường lệ do tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam là tuyến đường duy nhất, đơn vị nào cũng vận chuyển qua những cung đường đó.
Một số dân buôn trong nghề thừa nhận, nhập khẩu theo đường chính ngạch vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên, hàng Trung Quốc hay Quảng Châu do mọi người chủ yếu nhập lậu đi theo đường vòng nên tắc biên là bình thường. Thêm vào đó, thời điểm này, cơ quan chức năng đang tập trung đánh mạnh hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ nên tiểu ngạch nhiều khả năng từ giờ cho tới Tết Âm lịch đi lại vẫn còn khó khăn.
Về phía người tiêu dùng, ngoài một số ý kiến lo ngại việc hàng hóa về chậm sẽ đẩy giá tăng, thì cũng có ý kiến cho rằng đây có thể là cơ hội để mọi người quay về ủng hộ hàng Việt Nam.
Theo luồng ý kiến này, các mặt hàng nhập chính ngạch, nộp thuế đàng hoàng, chất lượng đảm bảo thì không nói làm gì. Còn những mặt hàng tiêu dùng được nhập lậu từ Trung Quốc như quần áo, giày dép... bày bán la liệt ở trong các cửa hàng quần áo không những chất lượng chưa được kiểm chứng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần "giết chết" ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, muốn người tiêu dùng quay về với hàng hóa sản xuất trong nước thì Nhà nước cũng cần có các chính sách khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, phía nhà sản xuất cần nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Mặc khác, tự thân người tiêu dùng cũng cần tự khắt khe hơn nữa trong yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.