1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ sau vụ vỡ nợ trái phiếu hàng tỷ NDT

(Dân trí) - Vụ vỡ nợ trái phiếu của một nhà sản xuất ô tô lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc là lời cảnh báo mới về rủi ro nợ trong nước bất chấp các con số tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Nhà sản xuất ô tô Brilliance Auto, còn được gọi là Huachen Automotive Group, đã làm chao đảo thị trường nợ của Trung Quốc vào tuần trước khi không trả được 1 tỷ nhân dân tệ (148,8 triệu USD) cho các trái chủ khi trái phiếu đáo hạn.

Các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ sau vụ vỡ nợ trái phiếu hàng tỷ NDT - 1
Một chiếc ô tô được lắp ráp tại nhà máy của Brilliance Auto ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Công ty quốc doanh này đã bị vỡ nợ trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ. Ảnh: Reuters

Điều khiến tin tức đặc biệt này gây sốc chính là trên thực tế, công ty này thuộc sở hữu trực tiếp của chính quyền tỉnh Liêu Ninh, và báo cáo tài chính giữa niên độ của chính công ty đã cho biết họ có “tiền và các khoản tương đương” trị giá 51,4 tỷ nhân dân tệ (7,65 tỷ USD) vào cuối tháng 6 vừa qua.

Công ty đã phát hành trái phiếu vào năm 2017 với lãi suất 5,3% và đáo hạn vào ngày 23 tháng 10. Việc vỡ nợ của công ty dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hiện công ty vẫn còn 13 đợt trái phiếu đang lưu hành với tổng trị giá lên tới 16,2 tỷ nhân dân tệ (NDT) và nhiều đợt trong số đó sẽ đáo hạn vào năm 2021 và 2022.

Brilliance Auto đã từng báo cáo họ có tổng tài sản trị giá 190 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm thứ 2, công ty lại cho biết họ đang gặp khó khăn trong thanh khoản và nguồn tài chính khó khăn, nhưng vẫn đang cố gắng trả nợ cho các trái chủ.

Nhưng các cơ quan xếp hạng tín dụng của Trung Quốc - một tổ chức vốn thường hào phóng trong việc đưa ra các xếp hạng tốt, đã vội vàng cắt giảm xếp hạng cho Brilliance Auto trong những ngày gần đây.

Vụ vỡ nợ của công ty Brilliance Auto đã khơi gợi lại ký ức về một loạt vụ vỡ nợ trái phiếu trị giá 7,1 tỷ nhân dân tệ của Dongbei Special Steel vào năm 2016 sau khi chủ tịch công ty tự sát trong văn phòng của mình. Sự kiện đó đã trở thành vụ vỡ nợ trái phiếu lớn nhất ở Trung Quốc cho đến thời điểm đó, và nó xảy ra sau khi Trung Quốc khởi động chiến dịch xóa nợ vào năm 2015 để hạn chế việc các chính quyền địa phương, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân vay nợ quá mức.

Liêu Ninh cho biết, nền kinh tế của họ đã giảm 1,1% trong 9 tháng qua so với một năm trước đó, khiến nó trở thành một trong những tỉnh hoạt động kém nhất ở Trung Quốc khi cả nước báo cáo mức tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ.

Zhao Xijun, giáo sư tài chính tại Đại học Renmin, cho biết thị trường nợ tổng thể của Trung Quốc ổn định trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng rộng, nhưng những rắc rối tài chính có thể xuất hiện ở các khu vực và lĩnh vực cụ thể. Và lĩnh vực ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Ngành ô tô hiện đang trên đà phục hồi khi nhiều thành phố đã mở rộng chính sách thuế ưu đãi đồng thời nới lỏng các hạn chế mua bán. Nhưng các giải pháp năng lượng mới và các thương hiệu nước ngoài thường sẽ đi trước nhiều đối thủ khác, điều này khiến các nhà sản xuất ô tô thông thường như Brilliance gặp bất lợi.

Zhao nói: “Việc chúng ta nghĩ rằng các doanh nghiệp nhà nước sẽ không bao giờ vỡ nợ là một điều sai lầm”.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy nợ chính quyền địa phương trên cả Trung Quốc tổng cộng là 25,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (3,8 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 9 và phần lớn tổng số nợ đó được gắn vào trái phiếu với thời gian đáo hạn trung bình là 6,8 năm. Quy mô ước tính của trái phiếu doanh nghiệp với các khoản nợ ngầm đối với chính phủ, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp nhà nước, là tương đương nhau.

Bộ này cũng cho biết hôm thứ 5 rằng, lợi nhuận giữa các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 2,28 nghìn tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD).

Nợ của các doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng sẽ tăng khoảng 5% trong năm nay, theo một báo cáo được Moody’s công bố vào tháng 9. Cơ quan xếp hạng này còn cho biết rằng các công ty tham gia vào nhiều dự án chính sách công hơn sẽ có đòn bẩy tài chính và tăng trưởng nợ nhanh hơn các công ty khác.

Liu Xuezhi, một nhà nghiên cứu của Ngân hàng Truyền thông, cho biết nợ của các doanh nghiệp nhà nước nên ngày càng được xem là nợ doanh nghiệp, thay vì nợ của chính phủ.

Liu nói: “Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thu dọn đống nợ của chính quyền địa phương từ năm 2013 và phần lớn đã hạn chế được sự mở rộng của nó. Và điều này có thể mang lại rủi ro hệ thống nếu ranh giới giữa nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp lại bị xóa nhòa”.