ĐBSCL:

Cá tra “lỗ chỏng vó” vì làm ăn chụp giật

(Dân trí) - “Điệp khúc” giá lên xuống của con cá tra tại ĐBSCL là không mới và hầu hết các ý kiến đều cho rằng sự trồi sụt này là tùy thuộc vào việc thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên bản chất chính là biểu hiện của việc làm ăn chụp giật, manh mún.

Tháng 6/2008, giá cá tra, cá basa tại ĐBSCL bị tụt dốc không phanh khiến hàng loạt nông dân điêu đứng, đổ nợ rồi treo hầm. Đầu tháng 9/2008, giá cá tra có nhích lên một chút do doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua cá nguyên liệu nhưng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2008, giá cá lại giảm.

Đua nhau kêu khổ

Đầu tháng 10, giá cá tra tại Cần Thơ được doanh nghiệp thu mua ở mức 15.000 - 15.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết: với mức giá như vậy, nông dân đã bị lỗ nặng vì giá thành sản xuất cá tra hiện nay là 16.650 đồng/kg (tính trên 12 khoản chi: con giống, thức ăn, hóa chất, lãi suất ngân hàng….).

Trong vòng  3 tháng (tháng 6 đến tháng 9/2008), giá thức ăn, thuốc đã tăng cao lên gấp nhiều lần. Nhiều hầm cá đã bị “treo” trong 2 - 3 tháng qua do thua lỗ. Theo đánh giá của Sở Công thương Cần Thơ, có ít nhất 50% nông dân nuôi cá sẽ “treo hầm” trong vụ tới. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ con số này lớn hơn.

Ông Hải cho biết thêm nguyên nhân chủ yếu của việc giá cá giảm là do doanh nghiệp cắt giảm thu mua do thị trường xuất khẩu con cá tra ở nước ngoài đang bị “teo” lại, nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là do một lượng lớn cá của nông dân vẫn cò nằm hầm từ đợt tăng giá trước đây.

Giữa tháng 9, giá cá đạt mức 16.500 - 17.000 đồng/kg và các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo tìm mua cá. Hàng loạt nông dân chủ động ghim cá để chờ giá tiếp tục lên, đến nay thì không những lỗ nặng, cá còn có nguy cơ ế. Chỉ trong vòng hai tuần, giá cá đã lên xuống vài lần, xoay như chong chóng.

Anh Phan Văn Khánh, chủ một hộ nuôi cá tại Ô Môn nuôi trên 4 ha cá tra, thời trúng giá anh tậu cả xe ô tô. Nhưng nay rớt giá, doanh nghiệp mua cá tra chê tới chê lui, bắt cá rồi để đến 45 ngày mới trả tiền.

“Khi vào vụ thu hoạch cá tra rớt giá thê thảm, cuối vụ doanh nghiệp kích giá tăng cục bộ để giữ chân nông dân nuôi cá. Giá cá tăng thực chất chỉ là một chiêu kích giá ảo của doanh nghiệp thôi” - anh Khánh nói.

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ thì giải thích: thời điểm giá cá tăng là do nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu mới, lượng cá tồn đọng đã giảm. Doanh nghiệp đã huy động hết vùng cá nguyên liệu nên chạy đua tìm nguồn cá, nâng giá thu mua. Việc giá cá tăng là một cơn sốt ảo chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, khi doanh nghiệp đã đủ nguồn nguyên liệu thì giá cá tra lại tiếp tục “rơi tự do” và ế ẩm.  

Bất ổn vì chụp giật

Cũng theo ông Trí, giữa tháng 9, khi giá cá lên cao, nhiều hộ nuôi cá đã khước từ bán cá tra với giá 13.000 - 15.000 đồng/kg theo hợp đồng đã ký trước đó với doanh nghiệp.

“Việc nông dân xé rào, không tuân thủ hợp đồng là phổ biến. Song cũng thông cảm cho nông dân nuôi cá. Vì trước đó, họ đã nài nỉ doanh nghiệp và chờ đợi đến bắt cá quá lâu. Giá cá nhích lên, doanh nghiệp phải mua với giá hợp lý” - ông Bùi Hữu Trí nói.

“Ngược lại, thời điểm cá tra rớt giá, “dẫn doanh nghiệp đi xem 10 ao cá, họ nói chỉ mua được 1 ao, 9 ao còn lại họ chê là cá già, quá chuẩn và tìm mọi cách hạ giá cá để kiếm lời”. Dễ thấy rằng cả nông dân và doanh nghiệp đều sẵn sàng vi phạm hợp đồng, bắt chẹt lẫn nhau để kiếm bạc lẻ mà không hề có ý thức về sự phát triển ổn định lâu dài.

Ông Trí phân tích: Việc nông dân không tuân thủ hợp đồng ký với doanh nghiệp là do ý thức pháp luật kém cộng với kiểu làm ăn “chợ xép” truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp lại ít có ý thức tôn trọng hoặc bảo vệ quyền lợi cho đối tác truyền thống.

Thực tế hợp đồng thường quy định nếu không bán cá cho doanh nghiệp, người nuôi phải bồi thường gấp 2 lần tiền đặt cọc. Tuy nhiên, chế tài của việc doanh nghiệp thu mua cá chậm hoặc chậm trả tiền cho người nuôi thì lại không thấy nhắc đến.

Theo ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Agifish (An Giang): Quá trình sản xuất và tiêu thụ con cá tra, doanh nghiệp và người nuôi chưa bao giờ chung hướng. Chính điều này đã tạo ra sự bất ổn định, khiến cả doanh nghiệp và nông dân đều thường khốn đốn.

Nhật Trường