1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cá nhân vay vốn nước ngoài: Tự vay, tự chịu?

(Dân trí) - Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân được phép vay và trả nợ vay nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần có tiêu chí cụ thể, tránh việc vay vốn tràn lan.

Cá nhân được vay nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm.

Cá nhân được vay nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm.

Ngày 18/3/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Trong đó, Điều 17 về vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, người cư trú là cá nhân thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của Chính phủ.

Thứ ba, người cư trú khi thực hiện vay, trả nợ nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài; thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trong hạn mức vay thương mại nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm.

Thứ tư, người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài.

Thứ năm, các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật có liên quan.

Với những nội dung được sửa đổi lần này, có thể hiểu rằng, kể từ ngày 1/1/2014 tới, cá nhân, doanh nghiệp có thể đi vay mượn nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ. Đây cũng được xem là một thông tin tốt đối với những đối tượng, cá nhân có nhu cầu vay vốn nước ngoài để mở rộng làm ăn.
 
Nhưng quy định này không hoàn toàn mới, nếu đối chiếu với nội dung của Pháp lệnh Ngoại hối, ra đời vào ngày 13/12/2005: “Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật” và “người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài và sử dụng các hình thức bảo lãnh, tái bảo lãnh và các hình thức bảo đảm khoản vay khác”.

Tính từ thời điểm Pháp lệnh Ngoái hối ra đời đến nay đã 8 năm, nhưng tại sao việc cho cá nhân vay vốn nước ngoài lại được nhắc đến và được bổ sung, sửa đổi? Phải chăng, những quy phạm pháp luật thời gian qua chưa thể đi vào cuộc sống…?
 
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự nhắc lại này là nhằm cụ thể hóa văn bản pháp luật, giúp cơ chế được thực hiện rõ ràng hơn. Và điều này cũng “hợp lý hơn” khi xét về nguyên tắc hội nhập.

Nhưng ông Phong cũng cho rằng, Việt Nam không nên lạm dụng việc được vay vốn nước ngoài để vay một cách tràn lan. Bởi nếu chỉ một, hai người vay, đó có thể là số nhỏ nhưng nhiều người cùng đi vay sẽ tạo nên một lượng ngoại tệ lớn.

Do đó, “cơ quan soạn thảo chính sách cần nghiên cứu để ban hành những tiêu chí giám sát, cảnh báo đối với các cá nhân vay vốn nước ngoài. Bởi nợ tư nhân và nợ quốc gia có sự chuyển hóa nhất định”, ông Phong nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trường hợp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, đồng thời cũng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này như thể hiện trong Khoản 2 Điều 17 - Khoản 11 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh.

Nguyễn Hiền