1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Không hạn chế cá nhân vay và trả nợ nước ngoài

(Dân trí) - Sáng 18/3, UB Thường vụ QH thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Một trong những điểm mới là không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài. Tuy nhiên cụ thể của vấn đề này sẽ do Chính phủ quy định.

Sáng 18/3, UB Thường vụ QH thông qua Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Việc ban hành pháp lệnh này được cho là sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” của nền kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối.

 

Về vấn đề chống “đôla hóa”, cơ quan thẩm tra dự án pháp lệnh – UB Kinh tế cho biết vẫn có 2 loại ý kiến đối lập. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như quy định tại điều 8 pháp lệnh hiện hành, không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa.

 

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng điều khiểu buổi làm việc đầu tiên phiên họp thứ 16 của UB Thường vụ QH.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng điều khiểu buổi làm việc đầu tiên phiên họp thứ 16 của UB Thường vụ QH.
 

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, các quyền của cá nhân quy định tại pháp lệnh hiện hành được xác lập phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản của cá nhân tại Bộ luật Dân sự bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.  Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế, có thể tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hàng năm.

 

Do đó, cơ quan thẩm tra nhất trí quan điểm không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân đồng thời giao Chính phủ xây dựng đề án có lộ trình chống tình trạng “đôla hóa”.

 

Vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự thảo pháp lệnh đã được sửa đổi theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp (bao gồm cả tiền đặt cọc và ký quỹ…). Dự thảo cũng không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài như một số ý kiến đề nghị, nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.

 

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá cao nguyên tắc tự vay – tự chịu trách nhiệm của cá nhân. Gạt lo ngại về khả năng việc tự vay mang tính rủi ro cao, làm nợ quốc gia tăng lên, ông Hiển lập luận, thực tế, việc đi vay nước ngoài phục vụ hoạt động đầu tư không đơn giản vì đối tác đều quản lý rất chặt chẽ.

 

Ông Hiển cũng tán thành quan điểm hạn chế sử dụng ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, quảng cáo, niêm yết phải bằng đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách băn khoăn về trường hợp giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu giá trong hợp đồng vẫn buộc phải ghi bằng tiền Việt có làm khó cho người dân, doanh nghiệp.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trấn an, nhà nước chỉ quản lý dòng vốn giữa người cư trú và người không cư trú trong nước. Còn các giao dịch thực hiện ở nước ngoài sẽ không bị chi phối, điều chỉnh.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thuật chuyện, tiếp xúc cử tri ở nước ngoài, bà con phản ánh, việc kinh doanh ở nước bạn cơ bản thuận lợi, người chưa có quốc tịch vẫn được cấp phép kinh doanh và việc chuyển tiền về Việt Nam rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu muốn mở mang cơ sở làm ăn, việc đưa vốn từ trong nước ra rất khó khăn.

 

Ông Hùng dẫn chứng thêm chuyện đầu tư ra nước ngoài của một tập đoàn viễn thông trong nước. Đến giờ, dự án đã thấy rõ hiệu quả kinh tế nhưng trước đó, chính Chủ tịch Quốc hội đã phải đứng ra “bảo lãnh” với 3 Bộ trưởng, đơn vị này mới được giải quyết, chuyển tiền ra nước ngoài để đặt cọc hợp đồng, đấu thầu vì thủ tục phức tạp, cần có quyết định đầu tư được phê duyệt.

 

Ông Hùng đặt vấn đề sửa đổi pháp lệnh ngoại hối lần này phải cởi mở với những trường hợp tương tự.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận thủ tục để chuyển tiền ra nước ngoài chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn nhận tiền rót về. Tuy nhiên, ông Bình cũng “đính chính”, nói nước bạn dễ dàng cho chuyển tiền đi không đúng. Thực tế, lượng kiều hối lớn của Việt Nam được chuyển về bằng nhiều con đường, con đường chính thống không hề đơn giản nếu không muốn nói hầu hết không thực hiện được vì chính sách rất chặt chẽ của các nước.

 

Vậy nên có thời kỳ các ngân hàng trong nước đua nhau mở chỉ nhánh ở nước ngoài “nhắm” đến dịch vụ này nhưng thực tế nhận tiền qua kênh này “không ngon ăn”, nhiều đơn vị phải chuyển hướng hoạt động khác.

 

Sửa pháp lệnh lần này, theo Thống đốc, chính là tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai thuận lợi hơn việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.

 

Nhấn mạnh rằng tình trạng "vào dễ ra khó" như cử tri phản ánh là có thật, đến các vị đại sứ còn phải kêu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu thủ tục trong nước phải cải cách, chứ đừng để khi hướng dẫn thực hiện lại làm khó thêm.

 

“Tinh thần là luật pháp phải tạo điều kiện cho người ta làm ăn, cứ chặn đủ kiểu để người ta không làm ăn được là không được đâu, cứ theo kiểu bắt nhầm còn hơn bỏ sót thì chỉ có anh ngay ngắn là chết thôi” - ông Hùng lưu ý, Thống đốc phải luôn luôn đặt mình vào vị trí nhà đầu tư để xây dựng chính sách cho phù hợp.

 

P.Thảo