Cả năm 2013 cổ phần hóa được... 3 doanh nghiệp nhà nước

(Dân trí) - Nếu như thời hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam 2004-2005, bình quân mỗi năm có tới 800 doanh nghiệp được cổ phần hóa, thì trong giai đoạn sau đó, tốc độ cổ phần hóa đã giảm tốc mạnh.

Tốc độ cổ phần hóa DNNN bị đánh giá rất chậm chạp.
Tốc độ cổ phần hóa DNNN bị đánh giá rất chậm chạp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chuẩn bị khai thác tạm thời tuyến cao tốc TPHCM - Dầu Giây

NĐT ngoại phản ánh ngành cà phê cạnh tranh không công bằng

Kinh doanh nhà ở xã hội chịu thuế TNDN 10% từ 2014

Cả năm 2013 cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nhà nước?!

Theo đánh giá của ông Trần Anh Đức, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh trong những năm vừa qua.

 

Nếu như ở giai đoạn hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam (2002-2005), số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tăng mạnh và ở mức cao, nhất là thời điểm 2004-2005, bình quân mỗi năm có tới 800 doanh nghiệp được cổ phần hóa, thì trong giai đoạn sau đó, tốc độ cổ phần hóa đã giảm tốc mạnh.

 

Đến năm 2007, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đạt con số 118 doanh nghiệp và lao dốc xuống chỉ còn 18,7 doanh nghiệp được cổ phần hóa bình quân mỗi năm từ 2008-2010 trước khi nhích lên con số khiêm tốn 60 doanh nghiệp trong năm 2011.

 

Hai năm trở lại đây, với lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi và điều kiện thoái vốn khó khăn, số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa đã thu hẹp về mức 13 doanh nghiệp năm 2012, thậm chí, trong năm 2013 này, mới chỉ có vỏn vẹn 3 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

 

Tốc độ cổ phần hóa DNNN bị đánh giá rất chậm chạp.

 

Cũng theo nhận định của ông Đức, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần với việc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên lại chưa có các Quy chế quản trị và giám sát đặc thù đối với các công ty đã chuyển đổi này để phân định quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước trong việc điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

 

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động không hiệu quả và thua lỗ lớn. Do đó, thực tế phát sinh yêu cầu phải có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhà nước.Chính phủ có thể xem xét việc huy động công chúng tham gia giám sát thông qua yêu cầu phải minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là phải ban hành Quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Đại diện Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cơ cấu các khoản nợ và hoạt động kinh doanh của Vinashin. Chính phủ đã bước đầu đạt được thành công trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp này để tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình.

 

"Chắc rằng Vinashin không phải là trường hợp duy nhất và hy vọng Chính phủ cũng có những chương trình cụ thể để tái cơ cấu từng tập đoàn và từng tổng công ty. Gây dựng lại niềm tin là bước đi cần thiết đầu tiên trong tiến trình tái cơ cấu Vinashin cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác - ông Đức phát biểu.

 

Phân biệt đối xử doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh

 

Nói về sự bình đẳng trong đối xử, ông Đức phản ánh, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng lợi thế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi và địa điểm kinh doanh thuận lợi, trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã phải cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước.

 

Theo đó, ông Đức đề nghị Chính phủ rà soát và áp dụng cơ chế bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong các dự án đầu tư và kinh doanh.

 

Ông Đức đặt vấn đề, nhiều dự án hạ tầng đã được quy hoạch phát triển bởi các doanh nghiệp nhà nước trong khi các dự án đó có thể đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân hoặc vốn nước ngoài. Tuy nhiên, nếu như một dự án hạ tầng ban đầu quy hoạch để cho công ty Nhà nước phát triển, nếu có công ty tư nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia, liệu rằng, công ty Nhà nước có thể rút lui và dành dự án đó cho tư nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài hay không?

 

Cũng theo ông Đức, một tổng công ty nhà nước có thể nhanh chóng được cấp phép xây dựng nhà máy phát điện với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài phải mất nhiều năm để có thể hoàn tất mọi thủ tục xin phép xây dựng một nhà máy phát điện tại Việt Nam. Chính phủ nên nghiên cứu vì sao chỉ có một vài dự án BOT nước ngoài được cấp phép trong hơn 10 năm qua - ông Đức kiến nghị.

 

Theo vị đại diện này, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một quá trình phức tạp và kéo dài. Tuy nhiên, cộng đồng các doanh nghiệp tin rằng, Chính phủ đã nhận thức vấn đề một cách đầy đủ và sẽ có những biện pháp thích hợp nhằm đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

 

Về con số doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm 2013, trao đổi với Dân trí bên lề Diễn đàn các đối tác phát triển Việt Nam 2013 (VDPF) vừa rồi, ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho biết, con số 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa là tính từ tháng 9 tới nay, trong năm 2013, số doanh nghiệp đã được cổ phần hóa là 13 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, với con số nào thì dường như hoạt động cổ phần hóa cũng đang rất chậm so với yêu cầu đặt ra.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước