Cà Mau triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp để gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch triển khai hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc triển khai ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển của tỉnh Cà Mau, nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Cà Mau khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Cà Mau triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp để gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản - 1

Tàu cá hoạt động trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh minh họa)

Trong kế hoạch của mình, UBND tỉnh Cà Mau đã đưa ra hàng loạt nhiệm vụ để các sở, ngành, địa phương, người dân thực hiện. Trong đó, tỉnh này sẽ tăng cường công tác kiểm tra ngoài biển để ngăn chặn tàu cá không cặp cảng cá chỉ định, xác nhận nguồn gốc thủy sản; điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài, hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

Triển khai thực hiện đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước; xây dựng các phương án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành tình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m; phát triển nuôi hải sản trên biển Cà Mau, giúp ngư dân chuyển nghề, giảm áp lực khai thác hải sản;…

Trong những giải pháp triển khai, UBND tỉnh Cà Mau cho biết sẽ tập trung vào việc thông tin, truyền thông với việc đa dạng hóa các phương thức, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, chủ yếu là chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản ở địa phương.

Đáng chú ý, trong công tác quản lý, UBND tỉnh Cà Mau sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương có tàu cá, không kiểm soát được tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cũng như không ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các địa phương lập danh sách để quản lý chặt chẽ, tổ chức xử lý, kiểm điểm công khai chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân khai thác bất hợp pháp và bị nước ngoài bắt giữ trước cộng đồng địa phương; bắt buộc chủ tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này yêu cầu các chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành tình theo quy định, mở máy hoạt động 24/24h để cơ quan chức năng quản lý, giám sát và tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, khai thác trên biển.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng phải kiểm soát chặt chẽ các tàu cá khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; đơn vị nào để xảy ra vi phạm thì Chỉ huy đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh.

Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, Sở Ngoại vụ được giao tiếp tục công tác bảo hộ ngư dân, đề nghị các nước liên quan xử lý trên tinh thần nhân đạo, theo thông lệ quốc tế, không dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu và ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết đấu tranh về mặt ngoại giao với các nước bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Cà Mau trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), thời gian qua, tàu cá có công suất lớn khai thác đánh bắt gần bờ thường xảy ra va chạm với các phương tiện nhỏ làm mất an ninh trật tự trên biển và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Đội kiểm tra liên ngành thực hiện tốt các quy định về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển của tỉnh, đặc biệt là vùng ven bờ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng như người dân ở huyện Phú Tân đã phản ánh.

Để xử lý dứt điểm, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng ngoài thanh, kiểm tra thường xuyên, còn phải tổ chức thêm các đợt thanh, kiểm tra đột xuất, nhằm duy trì sự hiện diện của cơ quan chức năng trên các vùng biển.

Bên cạnh đó, triển khai công tác thả một số giống loài thủy sản quý hiếm, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị kinh tế cao để bổ sung vào các vùng nước tự nhiên tại các cửa sông ven biển, góp phần phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Hải