"Cá mập" Trung Quốc liên tiếp ngừng mua vàng, lộ chỉ báo quan trọng
(Dân trí) - Là một trong những "cá mập" mua nhiều nhất thị trường, Trung Quốc tiếp tục ngừng mua vàng trong tháng 8. Ngân hàng trung ương nước này đã dừng mua thêm từ khi giá vàng tăng lên mức kỷ lục.
Động thái "hờ hững" của Trung Quốc trước thị trường khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn là 72,8 triệu ounce, tính đến hết tháng 8, không thay đổi kể từ tháng 4 năm nay.
Tuy nhiên, giá trị số vàng này là 182,98 tỷ USD, tăng so với 176,64 tỷ USD cuối tháng trước đó. Từ tháng 5, giá vàng tăng mạnh, liên tiếp lập nhiều kỷ lục mới. Thời điểm này, Trung Quốc cũng bắt đầu ngừng mua vàng.
Các chuyên gia cho rằng việc PBOC ngừng mua vàng cho thấy việc giá tăng cao đang kìm hãm nhu cầu của những ngân hàng trung ương toàn cầu đối với kim loại quý này, sau đợt mua mạnh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương là động lực chính thúc đẩy giá vàng trong năm nay.
Giá kim loại quý đi lên do khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay, và nhu cầu trú ẩn tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng mạnh trong 2 năm qua, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và khả năng sinh lời. Động thái này đã hỗ trợ đáng kể cho giá vàng.
Trước đó, PBOC đã mua vàng trong 18 tháng liên tiếp và là một trong những tổ chức mua vàng mạnh nhất thế giới. Năm ngoái, họ là ngân hàng trung ương mua nhiều kim loại quý nhất, với lượng mua ròng 7,23 triệu ounce. Dù vậy, việc giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới trong vài tháng qua dường như đã khiến Trung Quốc "hờ hững" hơn với vàng.
Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết, việc tạm dừng tích trữ vàng của PBOC chỉ là tạm thời và "cơn sốt vàng" của Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và những nỗ lực chuyển hướng khỏi đồng USD.
Cùng quan điểm, ông Carsten Menke, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Julius Baer, dự báo rằng PBOC vẫn sẽ mua lại vàng do rủi ro chính trị, bất chấp giá cao. Một động lực khác là Trung Quốc muốn giảm phụ thuộc vào USD, trong vai trò công cụ trú ẩn.
PBOC không phải là ngân hàng trung ương duy nhất dừng hoặc giảm mua vàng dự trữ khi giá tăng. Báo cáo quý II của WGC cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu chỉ mua vào 183,4 tấn vàng, giảm 38,85% so với quý I.
Theo các nhà phân tích toàn cầu, trong bối cảnh hiện nay, triển vọng giá vàng sắp tới hoàn toàn khả quan. Thậm chí, các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/ounce trong dài hạn.
Các chuyên gia phân tích, các động lực đầu tiên thúc đẩy giá vàng sẽ tiếp tục đến từ sự bất ổn ngày càng tăng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu với hai cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Những bất ổn địa chính trị này hỗ trợ hoạt động mua vàng như là kênh trú ẩn an toàn.