Cá chết hàng loạt trên hồ thuỷ điện Plei Krong không liên quan đến rút nước, xả lũ
(Dân trí) - Về hiện tượng cá chết trên hồ chứa thuỷ điện Pleikrong trên địa bàn Huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân cá chết được xác định do thiếu ôxy chứ không liên quan đến việc rút nước hay xả lũ như một số báo chí đăng tải.
Như Dân trí đưa tin trước đó, chiều 14/7/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum công bố báo cáo ban đầu về vụ việc cá lồng bè chết hàng loạt trên đập thủy điện Plei Krông (huyện Đăk Hà, Kon Tum).
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum xác định, khu vực nuôi cá lồng bè tại thôn Long Loi 1, thị trấn Đăk Hà có 6 hộ nuôi cá lồng bè có cá chết hàng loạt. Tổng số thiệt hại là 28 lồng cá với khoảng gần 72 tấn cá bị chết, trong đó chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Liên quan tới thông tin này, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, theo báo cáo của Công ty Thuỷ điện Ialy về vận hành hồ chứa Thuỷ điện Plei Krong trong các ngày từ 10-13/7/2017, sự thay đổi giảm mực nước hồ giảm tại thời điểm tối đa chỉ hơn 1 mét (từ cao trình 545,28m xuống cao trình 543,85) tại thời điểm từ 1h00 ngày 10/7 đến 1h00 ngày 11/7, không phải là 7 mét như thông tin trước đó.
"Việc nuôi cá trên lòng hồ là do người dân tự phát, tự nuôi. Đồng thời, nguyên nhân cá chết được xác định do thiếu ôxy chứ không liên quan đến việc rút nước hay xả lũ như một số báo chí đăng tải", Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thông tin.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ bà con sớm ổn định sản xuất, Công ty thủy điện Ialy báo cáo tình hình thực tế và kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hướng hỗ trợ cho người dân sớm khôi phục sản xuất. Còn việc xem xét hỗ trợ, Công ty đang xin ý kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét quyết định.
Trước đó, ngày 14 /7.2017, ông Nguyễn Đức Tuy – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kontum đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu cá phân tích xác định khả năng cá chết do dịch bệnh; Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích mẫu nước để xác định nguyên nhân. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã lấy mấu nước để phân tích xác định nguyên nhân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kontum cũng chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra, làm rõ việc việc vận hành của thủy điện Pleikrong và các hồ chứa nước của các cơ sở kinh doanh trong khu vực; Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc xả thải của các cơ sở sản xuất trong khu vực; UBND huyện Đăk Hà chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại và có giải pháp hỗ trợ nhân dân sớm ổn định sản xuất.
Đồng thời chỉ đạo công ty thủy điện Ialy báo cáo tình hình thực tế và kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có hướng hỗ trợ cho người dân sớm khôi phục sản xuất; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay của các hộ nông dân thiệt hại do cá chết tại lòng hồ thủy điện Plei Krong.
Các đơn vị thực hiện và báo cáo kết quả với UBND tỉnh trước ngày 20/7/2017.
Phương Dung