"Chạy chọt cho được một dự án thủy điện để tha hồ... phá rừng?"

(Dân trí) - Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) khẳng định có nhiều người giàu lên bất thường vì khai thác rừng, kể cả khi Thủ tướng nói cấm cửa rừng nhưng vẫn thấy chặt phá tự nhiên. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại chia sẻ: "Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án về thủy điện loại nhỏ, mục tiêu của người ta không phải là bán điện mà là có một khoảng rừng để tha hồ phá".

Có nhiều người giàu lên bất thường vì khai thác rừng nghèo và trồng rừng mới. Kể cả khi Thủ tướng nói cấm cửa rừng nhưng vẫn thấy chặt phá tự nhiên- Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nói (Ảnh: T.K)
"Có nhiều người giàu lên bất thường vì khai thác rừng nghèo và trồng rừng mới. Kể cả khi Thủ tướng nói cấm cửa rừng nhưng vẫn thấy chặt phá tự nhiên"- Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nói (Ảnh: T.K)

Thảo luận ở các tổ về dự thảo Luật Bảo vệ, phát triển rừng chiều 7/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, dù có nhiều quy định để phân loại chi tiết rừng đặc dụng, bảo tồn rừng quốc gia, rừng tự nhiên, sinh cảnh… nhưng vẫn chưa đủ, bởi có những khu rừng có nhiều chức năng. Hiện nay các nước rất lo ngại việc đưa vào rừng những giống cây lạ, dễ sinh sôi nảy nở, tạo ra chất dễ cháy nên theo ông Nghĩa, dự thảo luật cần có những quy định cấm về việc này.

Dẫn lại những chuyện lùm xùm thời gian qua liên quan đến bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định cấm những hình thức kinh doanh hoặc hoạt động khác làm thay đổi hệ sinh thái rừng.

Chung quan điểm, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (TPHCM) khẳng định bảo vệ rừng là việc cấp bách và lâu dài vì nó có ý nghĩa về môi trường và an ninh quốc gia.

"Những đối tượng được giao rừng đã lợi dụng khai thác rừng nghèo để trồng rừng, diễn biến nhiều năm. Có nhiều người giàu lên bất thường vì khai thác rừng nghèo và trồng rừng mới. Kể cả khi Thủ tướng nói cấm cửa rừng nhưng vẫn thấy chặt phá tự nhiên. Người ta lợi dụng khai thác rừng nghèo nhưng khai thác xong không trồng nữa, làm giàu xong thì bỏ. Cái đó nhà nước phải chịu, đồng bào dân tộc thiểu số phải chịu hậu quả"- ông Nghĩa thẳng thắn.

Vị đại biểu Quốc hội TPHCM nhấn mạnh, Luật Bảo vệ, phát triển rừng phải quy định rõ xung quanh việc kinh doanh lâm sản. Điều này vừa giúp giữ được kế sinh nhai của đồng bào dân tộc miền núi, vừa hạn chế được việc doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh thương mại tràn lan, mất kiểm soát.

"Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án về thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện bán mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ chỗ đó. Người ta phá rừng, rồi sau này trồng thay thế bằng rừng cao su, mà dưới rừng cao su thì không một con nào sống được nên cũng chỉ mang tính thương mại hoá chứ không trồng rừng lại được"- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nêu thực tế.


Nữ đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án về thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ chỗ đó. (Ảnh: quochoi.vn)

Nữ đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: "Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án về thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ chỗ đó". (Ảnh: quochoi.vn)

Từ đó bà Lan đặt câu hỏi: "Vậy thì luật phải làm sao để ngăn chặn phá rừng và khai thác gỗ, chứ bây giờ những cây gỗ quý, lâu năm, thuộc diện phải bảo tồn thì bị khai thác; động vật quý hiếm trong rừng cũng chưa thấy quy định?".

Cũng đánh giá hiện tượng khai thác rừng hiện nay rất đáng lo ngại nhưng báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện hết, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TPHCM - đề nghị dự án luật phải đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng.

"Không phải Chính phủ không thấy, không phải Quốc hội không thấy nhưng mình chưa mạnh mẽ để bảo vệ rừng của mình cho tốt. Vì lợi ích trước mắt để cho người ta cơ hội phá rừng. Nhiều lần Quốc hội chất vấn nhưng chưa có một biện pháp nào để làm rõ vấn đề này. Phá rừng để thu lợi bất chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là trong làm thuỷ điện. Mọi thiệt hại ở vùng hạ du thuỷ điện nhỏ và vừa do việc khai thác rừng bừa bãi, khó kiểm soát đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân"- bà Tâm bức xúc.

Tuy nhiên theo bà Tâm, Quốc hội và Chính phủ vẫn chưa có giải pháp gì để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

"Tôi thấy việc này Quốc hội có lỗi. Mưa xuống không có rừng để giữ nước, lũ về gây biết bao thiệt hại cho người dân. Do chúng ta làm thuỷ điện không có bài bản, quy hoạch nên về tự nhiên, môi trường làm cho thiệt hại về sản xuất, đời sống rất là lớn"- vị Chủ tịch HĐND TPHCM đánh giá.

Thế Kha