Buông xuôi giá vàng?

Thị trường vàng đang có vấn đề: Khối lượng kinh doanh giảm nghiêm trọng nhưng giá trong nước lại cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, thị trường vàng ghi nhận nhiều phiên giao dịch biến động mạnh khi giá trong nước liên tục giảm theo sự chuyển động của giá thế giới. Tuy nhiên, giá vàng trong nước và thế giới ngày càng cách biệt và hiện giá trong nước đã cao hơn giá thế giới 4,7 - 5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.

Chênh lệch kỷ lục

Đóng cửa cuối tuần, giá vàng miếng SJC mất khoảng 500.000 đồng/lượng so với ngày đầu tuần, rơi xuống vùng 46,2 triệu đồng/lượng mua vào, 46,35 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã có tuần giảm mạnh khi để mất hơn 40 USD/ounce (tương đương giảm 1 triệu đồng/lượng), đóng cửa ở mức 1.657 USD/ounce. Giá vàng thế giới lao dốc, trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. Sự biến động không tương xứng này khiến giá vàng trong nước có lúc cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng, một mức cách biệt chưa từng có trước đây.

Khác với diễn biến giá biến động mạnh, khối lượng giao dịch của thị trường vàng những ngày qua khá trầm lắng. Đại diện một công ty vàng tại TPHCM nói: Nếu quan sát kỹ bảng niêm yết giá vàng tại các cửa hàng vàng sẽ thấy chênh lệch giá mua vào - bán ra chỉ khoảng 150.000 đồng/lượng, nghĩa là doanh nghiệp muốn mua vàng giá cao, chấp nhận lời ít nhưng thị trường không ai bán. Khi giá biến động mạnh, chênh lệch với thế giới 2-3 triệu đồng/lượng thì lẽ ra khoảng cách mua vào - bán ra phải ở mức 400.000 - 500.000 đồng/lượng để doanh nghiệp phòng rủi ro nhưng nay chênh lệch ít cũng không ai bán.

Buông xuôi giá vàng?
Giá vàng trong nước liên tục cách biệt cao với giá thế giới, hiện đã lên đến 5 triệu đồng/lượng. Ảnh: HỒNG THÚY

Ngày 21-12, giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng nhưng nhiều cửa hàng vàng không dám bán ra. Những ngân hàng thương mại chưa tất toán xong trạng thái vàng lại càng không muốn bán vàng ra. “Thị trường không có hy vọng về việc tăng nguồn cung vàng khi chỉ còn một thương hiệu vàng miếng, việc chuyển đổi vàng phi SJC lại tiến hành quá chậm. Trong khi lãi suất đã giảm thêm đã khiến một bộ phận người dân tiếp tục gửi niềm tin vào vàng” - lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lý giải.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho rằng thị trường vàng đang có vấn đề, khối lượng kinh doanh giảm nghiêm trọng… nhưng giá trong nước lại cao hơn thế giới đến 5 triệu đồng/lượng do thiếu hụt nguồn cung. Thế nên, dù chính sách chống vàng hóa nền kinh tế là tốt nhưng tâm lý, thói quen, tập quán của người dân khó mà thay đổi.

Chênh vênh mục tiêu chống vàng hóa

Giá vàng trong nước cao bất thường, gây thiệt hại lớn cho người mua vàng, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua lại tỏ rõ quan điểm không bình ổn, không nhập khẩu vàng và… chưa cần thiết can thiệp. Nhưng đó là lúc chênh lệch với giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng, nay mức chênh lệch này lên đến 4,5 - 5 triệu đồng/lượng, chẳng lẽ vẫn chưa cần thiết phải can thiệp?

Nhiều ý kiến cho rằng có thể chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là để mặc giá vàng trong nước cao hơn thế giới, người dân thấy mua vào sẽ thiệt và… ngừng mua, chọn kênh tiết kiệm hoặc đầu tư khác. Nhưng nhiều người vẫn mua vàng chỉ với suy nghĩ đơn giản: Thấy mức giá hiện nay thấp hơn nhiều so với mức 48 - 49 triệu đồng/lượng trước đây là mua, chứ không tính toán hơn thiệt với giá thế giới. Bằng chứng là những ngày qua, thị trường vàng dù trầm lắng nhưng vẫn nhiều người mua hơn bán. 

Theo các chuyên gia, một đất nước giữ vàng vật chất là không tốt bởi không sinh lợi cho nền kinh tế nhưng Việt Nam đã tồn tại nhiều yếu tố lịch sử mà theo thống kê hiện còn khoảng vài trăm tấn vàng trong dân. Nếu sử dụng hợp lý, nguồn lực này sẽ tốt, còn nếu cứ quản lý kiểu “chập chờn” như hiện nay, người dân không bán, không gửi ngân hàng mà để vàng nằm “chết” ở trong nhà… Lúc này, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế sẽ không hiệu quả.

Mạng lưới sẽ thu hẹp

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng triển khai mạng lưới mua bán vàng miếng sau khi Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 có hiệu lực. Theo đó, từ ngày 10/1/2013, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ không còn phổ biến với 12.000 doanh nghiệp như hiện nay mà sẽ thu hẹp mạnh. Nhiều khả năng khi mạng lưới mua bán vàng miếng bị hạn chế, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới sẽ càng lên cao và cách biệt về giá vàng giữa khu vực nông thôn - thành thị là khó tránh!

 
Theo Thái Phương
Người Lao Động