BTA với Hoa Kỳ tạo thuận lợi gia nhập WTO
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự đã có cuộc trò chuyện xung quanh việc thực hiện Hiệp định thương mại song phương (BTA) và tác động của hiệp định này tới quan hệ kinh tế, thương mại hai nước.
Xin Thứ trưởng cho biết khái quát về bức tranh quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ 10 năm qua? Ảnh hưởng của mối quan hệ này tới quan hệ thương mại quốc tế nói chung của Việt Nam?
Việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã khép lại quá khứ và mở ra tương lai có lợi cho cả 2 bên. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã ký kết một số Hiệp định, Thoả thuận về kinh tế và thương mại như: Hiệp định quyền tác giả, Hiệp định về hoạt động của Cơ quan đầu tư tư nhân hải ngoại, Hiệp định bảo lãnh khung và Hiệp định khuyến khích dự án đầu tư giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ, Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ, Hiệp định Dệt may, Hiệp định Hàng không, v,v...
Trong số đó, quan trọng nhất là Hiệp định Thương mại. Đây là một Hiệp định có tính qui mô toàn diện nhất mà ta từng ký với các nước từ trước tới nay, bao gồm những cam kết không chỉ thuộc lĩnh vực thương mại hàng hóa mà cả thương mại dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng có thể phân tích tác động của BTA tới nền kinh tế Việt Nam?
Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: đẩy mạnh thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ của Hoa Kỳ mà cả các nước khác, mở đường cho sự phát triển ở các lĩnh vực kinh tế khác như hàng không, nông nghiệp...
Việc ký kết và thực thi thành công BTA trong 3 năm qua cũng góp phần nâng cao uy tín đối ngoại của Việt Nam trên trường thế giới. Việt Nam thực thi nghiêm túc BTA một mặt phục vụ nhu cầu nội thân đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế nước nhà, mặt khác góp phần khẳng định tính nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Bạn bè quốc tế công nhận Việt Nam đã có những bước đi cụ thể vững chắc trong hoàn cảnh còn hết sức khó khăn, nguồn lực còn hạn chế.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, trong quá trình thực hiện còn những tranh, chấp phát sinh tác động đến thương mại hai nước. Như vụ kiện bán phá giá cá tra, basa và tôm của Hoa Kỳ là những hành động không phù hợp với tinh thần tự do hóa thương mại trong Hiệp định, gây cản trở cho sự phát triển thương mại giữa hai nước.
Riêng đối với quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, BTA ảnh hưởng như thế nào?
BTA được ký kết trên cơ sở các nguyên tắc của WTO nên đã góp phần tích cực tạo thuận lợi bước đầu cho quá trình đàm phán gia nhập WTO, hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp việc đàm phán gia nhập WTO trở nên dễ dàng hơn.
Quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định tạo điều kiện cho các cơ quan hoạch định chính sách của ta hiểu sâu hơn về bản chất của toàn cầu hoá và hội nhập, các nguyên tắc của WTO. Nhiều nghĩa vụ của Việt Nam trong BTA cũng chính là những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập WTO, do đó việc thực thi BTA là sự chuẩn bị của Việt Nam sẵn sàng cho việc gia nhập WTO.
Song BTA chỉ mới là một phần. Hoa Kỳ vẫn yêu cầu ta phải đàm phán lại cả thuế, dịch vụ và các cam kết đa phương. Trước kia ta cam kết trên 300 dòng thuế, nay Hoa Kỳ yêu cầu đàm phán cả biểu thuế. BTA chỉ là quan hệ song phương, gia nhập WTO ta phải đàm phán đa phương với ban công tác có trên 40 thành viên WTO và đàm phán song phương với trên 20 đối tác có yêu cầu khác nhau, nên mức độ và phạm vi cũng khác xa so với BTA.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Theo TTXVN