BP phải đền bù gần 8 tỷ USD vì thảm họa tràn dầu
(Dân trí) - Thông tin vừa được chính hãng dầu mỏ của Anh công bố. Theo đó họ phải trả 7,8 tỷ USD đền bù cho các ngư dân và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa nổ dàn khoan Deepwater Horizon tháng 4/2010.
Dù vậy đây chắc chắn vẫn chưa phải toàn bộ số tiền BP phải bỏ ra để khắc phục hậu quả sau thảm họa sinh thái được miêu tả là tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Dự kiến trong thời gian tới hãng dầu mỏ này còn phải đối diện với một loạt vụ kiện cực lớn, và số tiền phạt họ phải trả cho chính phủ Mỹ, các bang ven biển và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng còn lên tới hàng chục tỷ USD.
Những ngày tới, thẩm phán Carl Barbier, người được chỉ định xét xử vụ việc sẽ điều tra xem liệu thảm họa này là một tai nạn ngoài ý muốn hay đã có những bất cẩn trong quá trình khai thác. Nếu bị khép tội bất cẩn, chỉ riêng một án phạt từ chính quyền liên bang có thể khiến hãng dầu mỏ này mất 18 tỷ USD.
“Hiện BP chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là đổ lỗi cho càng nhiều người càng tốt và đảm bảo rằng sẽ không bị khép tội bất cẩn”, Blaine LeCesne, giáo sư luật tại đại học Loyola ở New Orleans, người luôn theo sát vụ việc nhận định. “Với cách đó họ có thể giảm chi phí xuống còn 30 - 40 tỷ USD thay vì phải bỏ ra tới 100 tỷ USD”.
Ngoài ra BP cũng còn phải đối mặt với vụ kiện từ các cổ đông và những người đòi bồi thường vì lệnh tạm ngừng khoan thăm dò do chính phủ Mỹ đưa ra sau vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon. “Đề xuất đền bù này cho thấy một tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề sau vụ tai nạn Deepwater Horizon và sẽ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế và môi trường dọc khu vực bờ vịnh”, Bob Dudley, CEO của BP khẳng định trong thông báo chính thức.
Vụ việc này chắc chắn sẽ còn kéo dài bởi hiện “gã khổng lồ” nước Anh vẫn đang tìm cách bắt cách nhà thầu phụ phải cùng chia sẻ trách nhiệm trong vụ này. Chính quyền một số bang quanh vịnh Mexico đã yêu cầu trừng phạt cả BP lẫn đơn vị vận hành dàn khoan Transocean & Halliburton, bên chịu trách nhiệm vì đã xảy ra sai sót và phớt lờ không ít cảnh báo nguy hiểm trong quá trình bịt miệng giếng khoan.
Còn nhớ, ngày 20/4/2010, sau một vụ nổ lớn, dàn khoan Deepwater Horizon của BP đã bị chìm khiến 11 công nhân thiệt mạng. Những ngày sau đó dầu từ giếng liên tục phun lên, nhuộm đen bờ biển suốt 5 bang dọc vịnh Mexico gây thiệt hại nặng cho ngành đánh bắt cá cũng như du lịch. Phải mất 86 ngày, BP mới bịt được miệng giếng ở độ sâu 1.500m. Ước tính hơn 4,9 triệu thùng dầu đã tràn ra khu vực này.
Theo AFP