Bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm tỷ USD cho doanh nghiệp mỗi năm
(Dân trí) - Phấn đấu đến năm 2017, năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải đạt mức trung bình trong nhóm 4 nước phát triển của ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia).
Đây là mục tiêu phấn đấu của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19 năm 2016) vừa được Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ, ban ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Văn phòng Chính phủ, điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016 là Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu. Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp vào cuộc để kiểm tra, giám sát các Bộ, ban ngành và địa phương trong việc thực hiện triển khai các bộ chỉ tiêu về: cải cách môi trường kinh doanh liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...
Trước đây, hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài Chính (BTC) được Chính phủ giao là đầu mối trực tiếp điều hành việc thực hiện Nghị quyết 19. Các bộ ban ngành và địa phương có trách nhiệm thực hiện, báo cáo Chính phủ tiến trình và kết quả thực hiện.
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, sau hai năm triển khai Nghị quyết 19 (2014 và 2015), môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta đã có những bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực của Chính phủ.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai bộc lộ nhiều hạn chế, năm 2015 chỉ có 10 bộ, cơ quan ngang bộ và 15 tỉnh thành phố báo cáo về các chỉ tiêu Nghị quyết 19 đưa ra. Nhiều người đứng đầu bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như phong trào, chưa kiểm tra, giám sát thực hiện.
Chính vì thế, môi trường đầu tư, kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn mục tiêu yêu cầu như: cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản doanh nghiệp... còn thấp khá xa so với trung bình của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4.
Chính vì vậy, mục tiêu của Nghị quyết 19 năm 2016 là năm 2016 - 2017 các chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình nhóm nước ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia).
Chính phủ yêu cầu bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp, trái quy định pháp luật. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa và dịch xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển sang hậu kiểm.
Năm 2016 -2017, cải cách hành chính thuế như hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế phải đạt các chỉ tiêu trung bình của nhóm ASEAN 4. Các thủ tục như thời gian cấp giấy phép xây dựng tối đa 77 ngày, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày với xuất khẩu và 12 ngày đối với nhập khẩu, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 5 năm xuống còn 24 tháng.
Đặc biệt, triển khai Nghị quyết 19 năm 2016, Chính phủ chỉ đạo lấy nhu cầu người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, nhấn mạnh vào tạo lập các hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2017, năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải bằng các nước ASEAN 4; các chỉ số hiệu lực chính sách cạnh tranh thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; hạn chế các rào cản phi thuế quan để vào nhóm 40 nước đứng đầu thế giới.
Theo tinh thần và tầm nhìn của Chính phủ, Nghị quyết 19 năm 2016 phấn đấu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 (Singapore, Thái Lan và Malaysia) trên các bộ chỉ tiêu về ứng dụng thông lệ quốc tế; chỉ số khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 40 nước đứng đầu thế giới, thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm, bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng.
Theo T.S Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): "Nếu các bộ, ban ngành thực hiện nghiêm túc việc giảm các thủ tục hành chính, giờ nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, chi phí gia nhập thị trường hay phá sản doanh nghiệp... thì mỗi năm Việt Nam có thể giảm 1 tỷ USD về chi phí xã hội và chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hai năm thực hiện, đến nay rất nhiều chỉ tiêu về cải cách bị nhiều cơ quan bộ, ban ngành và địa phương "bỏ quên". Nhiều tỉnh, lãnh đạo địa phương không hề hay biết gì về Nghị quyết 19 dù đã thực hiện năm nay năm thứ 3".
Nguyễn Tuyền