Bỗng dưng mắc nợ, tá hỏa vì không vay tiền vẫn bị truy đòi
Gần đây, nhiều người bỗng dưng gặp rắc rối khi không vay tiền mà mắc nợ khiến cho cuộc sống bị ảnh hưởng. Nguyên nhân vì bị lộ thông tin cá nhân nên kẻ xấu đã lợi dụng để lừa đảo.
Bỗng dưng mắc nợ
Cuối tháng 2, anh Ngô Hồng Lam, ở Thanh Xuân, Hà Nội, nhận được yêu cầu thanh toán số tiền 70 triệu đồng cho khoản vay tiêu dùng từ một công ty tài chính. Anh giật mình vì không hề vay và liên hệ ngay lập tức với công ty tài chính này, cung cấp các tài liệu, giấy tờ chứng minh mình không hề vay mượn.
Sau một thời gian dài lo lắng, cuối cùng anh cũng được minh oan. Và nguyên nhân gây ra sự việc này là do anh đánh mất chứng minh nhân dân và bị kẻ gian sử dụng, tạo hồ sơ vay giả mạo danh tính.
Đây không phải trường hợp cá biệt, những vụ việc như vậy đã liên tục xảy ra. Có nhiều trường hợp, người dân tra cứu vào dữ liệu của mình ở Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bỗng dưng thấy mình có khoản vay quá hạn với số tiền từ vài chục cho tới hàng trăm triệu đồng, tại các ngân hàng và công ty tài chính. Tất cả đều tá hỏa vì chưa từng làm hồ sơ vay vốn và phải liên hệ để xác minh, chứng minh.
Mới đây, đối tượng Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1984, Bắc Ninh) có hành vi làm giả hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt tài sản và tòa án Quận Đống Đa, Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngà 36 tháng tù giam cho hành vi lừa đảo của mình.
Ngày 20/5, Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai đã bắt quả tang 2 đối tượng đang sử dụng giấy tờ tùy thân giả để làm hợp đồng mở thẻ vay. Cuối 2020, Công an TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), bắt quả tang đối tượng Hoàng Thị Tâm, làm giả chứng minh nhân dân để chiếm đoạt tài sản. Các công ty tài chính như VietCredit, FE Credit, HomeCredit và nhiều ngân hàng cũng gặp không ít những vụ việc tương tự.
Cơ quan công an cũng liên tục triệt phá những đường dây làm giả giấy tờ, hồ sơ cá nhân. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, công an các địa phương như Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội, Thanh Hóa... liên tục triệt phá hàng loạt đường dây làm giả bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân và căn cước công dân giả.
Trong số này có không ít đối tượng mua chứng minh nhân dân giả để vay tiền từ công ty tài chính và mở tài khoản ngân hàng. Với chứng minh nhân dân giả, chúng lấy thông tin từ chứng minh thật của những người bị mất, bị lộ, có giới tính và tuổi đời giống mình, sau đó dán ảnh của mình vào và làm thủ tục hồ sơ vay tiền, rồi mở tài khoản ngân hàng để rút, chuyển tiền.
Từ thực tế đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đại diện một công ty tài chính tiêu dùng đã thống kê ra một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi như: lợi dụng sự chủ quan của người dân, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin, làm giả giấy tờ chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe... rồi thay đổi hình ảnh trên giấy tờ tùy thân, mạo danh người khác để đi vay, chiếm đoạt tài sản của công ty tài chính; lừa đảo chiếm giữ thẻ vay, sim điện thoại của khách hàng, thực hiện giao dịch gian lận.
Ngoài ra, còn một hành vi phạm tội khác xảy ra nhiều gần đây, đó là cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp (DN), đã lợi dụng chức vụ, cố tình làm sai quy định, làm giả hồ sơ của khách hàng để chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân.
Vấn nạn lộ thông tin cá nhân
Nếu một ngày, bất ngờ bạn được thông báo thanh toán khoản vay, hoặc bị nợ xấu trong khi chưa từng vay vốn... Theo chuyên gia từ VietCredit, điều này sẽ gây ra tác hại lớn cho cá nhân khi người dân bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm, còn các công ty tài chính bị tổn thất nghiêm trọng về tài sản và uy tín thương hiệu. Cả 2 đều là nạn nhân và mất rất nhiều thời gian để xử lý hậu quả.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo các chuyên gia phòng chống tội phạm thì chính bản thân mỗi người dân phải biết bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng - mục tiêu lừa đảo của tội phạm phải cảnh giác, hoàn thiện nghiệp vụ và đặc biệt nâng cấp công nghệ và chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin quan trọng để xác minh, triệt phá các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thừa nhận có không ít vụ đến từ sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp của nhân viên, các DN cần giám sát và không dung túng cho bất cứ sai phạm nào. Khi phát hiện vụ việc sẽ lập tức chuyển cho cơ quan điều tra xử lý các hành vi lừa đảo. Nguyên tắc là không bao giờ thỏa thuận, Đã sai phạm, lừa đảo thì dù đối tượng có bỏ ra chi phí lớn hơn chi phí bị thiệt hại vẫn bị xử lý đến cùng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng nghiêm cấm việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa thể ngăn chặn được hành vi của kẻ xấu.
Những ngày qua, người dân đã được một phen xôn xao, về việc có kẻ rao bán thông tin cá nhân của gần 10.000 người Việt Nam trên mạng, bao gồm họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh... kèm theo hình ảnh chân dung, hình chụp mặt trước và sau chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Đây là vụ việc rất nguy hiểm, bởi người dùng bị lộ thông tin có thể bị lợi dụng vào các mục đích lừa đảo trên mạng, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Nếu kẻ xấu lợi dụng sử dụng thông tin này để làm chứng minh nhân dân giả, rồi vay tiền thì nhiều người bỗng dưng lại gặp phiền phức. Với những tổ chức tín dụng như ngân hàng hay công ty tài chính, "khổ chủ" còn có thể chứng minh và được minh oan. Nhưng nếu chúng lại vay tiền từ các băng nhóm xã hội đen, thì chắc chắn "khổ chủ" sẽ chịu sự mệt mỏi, lo sợ và những thiệt hại khó lường.
Để hạn chế các hình thức lừa đảo, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình, không tùy tiện cung cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, mã PIN… đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, Luật sư Đức khuyến cáo.