Bỗng dưng được “tặng” 66 tỉ đồng

Sự việc lạ lùng này xảy ra trong quá trình thanh quyết toán, quản lý chi phí dự án xây dựng cầu Vân Đồn do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Sau khi đã quyết toán đầu tư xây dựng công trình, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản chỉnh sửa, phê duyệt, điều chỉnh giá trị trúng thầu một gói thầu được ký kết cách đó nhiều năm khiến giá trị thanh toán cho nhà thầu đội thêm 66 tỉ đồng.

 

Tăng tổng mức đầu tư

 

Dự án cầu Vân Đồn ở huyện Vân Đồn được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2000. Trong đó, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (Hà Nội) trúng thầu gói số 1 (gồm 3 cầu Vân Đồn 1, Vân Đồn 2 và Vân Đồn 3) có giá trị 70 tỉ đồng.

 

Theo phương án ký kết giữa các bên, 50% vốn thanh toán cho nhà thầu được tính bằng giá trị quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Đông Xá (huyện Vân Đồn), phần vốn còn lại sẽ do ngân sách địa phương chi trả.

 

Tháng 7/2006, cầu Vân Đồn được đưa vào sử dụng sau hơn 4 năm xây dựng. Ngày 24-6-2011, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 1990/QĐ-UBND về việc phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Đồn với tổng chi phí đầu tư là 128 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 1 được quyết toán 89,9 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Ninh chi trả cho nhà thầu 50% giá trị gói thầu số 1 bằng tiền là 54,7 tỉ đồng (gồm 35 tỉ đồng cố định và phát sinh trượt giá), 50% giá trị gói thầu còn lại được tỉnh trả bằng quỹ đất tại khu đô thị Đông Xá.

 

Tuy nhiên, đến ngày 29/3/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục ban hành Quyết định 699/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh giá trúng thầu gói thầu số 1 (đối với phần trả bằng đất) đã được phê duyệt thời điểm tháng 3/2002, điều chỉnh về thời điểm giá tháng 11/2011 trên 101 tỉ đồng. Điều này khiến gói thầu số 1 có tổng mức đầu tư lên tới 156 tỉ đồng chứ không còn là 89,9 tỉ đồng như quyết toán năm 2011 (vượt trên 66 tỉ đồng). Số tiền 66 tỉ đồng này nằm ngoài tổng mức đầu tư của dự án và kết quả trúng thầu ban đầu.

 

Trái quy định hiện hành

 

Lạ lùng là Quyết định 1990 và Quyết định 699 (cách nhau chưa tới 1 năm) đều được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành dựa trên đề nghị của Sở Tài chính tỉnh.

 

Theo ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng, về nguyên tắc, khi đã quyết toán rồi thì dự án chấm dứt, không được điều chỉnh giá trị hợp đồng, giá trị công trình nữa. Nếu đã ra quyết định quyết toán rồi mà sau đó lại ra quyết định điều chỉnh giá trị trúng thầu của dự án là sai so với quy định hiện hành.

 

Một chuyên gia xây dựng đang công tác tại Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định Quyết định 699 của UBND tỉnh Quảng Ninh không phù hợp với quy định hiện hành. Khi dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và quyết toán thì việc điều chỉnh như vậy trái với tinh thần Nghị định 112/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Theo Nghị định 112, chỉ được điều chỉnh tổng mức đầu tư trong các trường hợp điều chỉnh dự án. Trong khi đó, dự án cầu Vân Đồn không hề phải điều chỉnh.

 

Trao đổi với phóng viên ngày 15/9, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, thừa nhận UBND tỉnh đã làm việc và có văn bản giải trình với đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề này. Đúng sai thế nào, theo ông, khi Thanh tra Chính phủ kết luận mới rõ được.

 

 Trong văn bản báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Ninh thừa nhận dự án cầu Vân Đồn đã hoàn thành và tỉnh đã thanh toán 50% bằng tiền là 35 tỉ đồng cho nhà thầu, 35 tỉ đồng còn lại thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, lý do tại sao lại điều chỉnh giá trị gói thầu số 1 thêm 66 tỉ đồng khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên thì không được nói tới.

 

Theo Thế Kha

NLĐ