1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bơm vốn “chặn” tín dụng đen cho ĐBSCL

(Dân trí) - Hạn mức tín dụng trong nông nghiệp khá thấp và việc thủ tục vay vốn ngân hàng rườm rà đã tạo “đất sống” cho tín dụng đen tại khu vực ĐBSCL. Do đó, ngành ngân hàng đã bắt tay bơm vốn để “chặn” tín dụng đen, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh.

Tín dụng đen tung hoành

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất cả nước, có nhu cầu vốn tín dụng lớn nhưng huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trên địa bàn. Cùng với đó, hạn mức tín dụng trong nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà đã tạo “đất sống” cho tín dụng đen tại khu vực này. Trong đó, cho vay nặng lãi núp bóng bán chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã trở nên phổ biến tại khu vực này hàng chục năm qua và sự thua thiệt luôn nằm ở người mua.

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Nghiệp, chủ hộ phân phối vật tư và sản xuất 12 ha lúa tại Châu Thành, Tiền Giang: Ở đây, chuyện người dân tìm đến tín dụng đen khá phổ biến. "Thủ tục vay vốn ở nhiều ngân hàng thương mại hiện khá rườm rà, hạn mức cho vay lại thấp, 1 ha chỉ vay được có 50 triệu đồng, trong khi nhu cầu vay vốn mua vật tư, phân bón để phát triển sản xuất kinh doanh lại nhiều khiến người nông dân phải tìm đến tín dụng đen để vay vốn”, bà Nghiệp nói.

Thực tế tại khu vực Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, tình trạng cho vay nặng lãi khá phổ biến và trầm trọng, với mức lãi suất khoảng 5%/tháng, không ít trường hợp lãi "cắt cổ" từ 10% đến 30%/tháng, cá biệt có những trường hợp lên đến 60%/tháng. Bị cuốn vào “vòng xoáy” của tín dụng đen, nhiều hộ nông dân đã chịu cảnh trắng tay, “tán gia bại sản”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sở dĩ tín dụng đen có “đất sống” tại khu vực này là do hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà, dù ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng.

Thông tin tại cuộc hội thảo “Giải pháp cho vay nông nghiệp - nông thông có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL” do Ngân hàng Nhà nước, Báo Nhân dân và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức sáng 17/10, tại Kiên Giang, ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đến cuối tháng 8 đạt trên 13.400 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với 5 năm trước và đạt mức tăng trưởng bình quân gần 17,2%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Sa, tín dụng tiêu dùng thường xuyên dành cho khu vực nông thôn còn ít, lãi suất cho vay còn cao. Trong khi thu nhập của nông dân trong tỉnh chủ yếu tập trung vào thời điểm thu hoạch, nhưng chi tiêu sinh hoạt mang tính thường xuyên. “Đây là điều kiện thuận lợi cho nạn cho vay nặng lãi, bán chịu hàng hóa giá cao ở khu vực nông thôn phát triển. Mặc dù trên địa bàn đã có một vài ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân thực hiện cho vay tiêu dùng, nhưng còn thấp so với nhu cầu (bình quân 680.000 đồng/người/năm) và lãi suất cho vay còn khá cao (phổ biến 15 - 18%/năm)”, ông Sa nói.

Đề cập tới tín dụng đen, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng: “Sở dĩ nó ra đời, bùng nổ phát triển khá mạnh là do nhu cầu thực tế. Lãi suất tín dụng đen hiện vào khoảng 2.000 đồng cho 1 triệu đồng, tương ứng 36%/năm. Nếu chúng ta không có cơ chế khắc phục, đến một lúc nào đó bà con nông dân sẽ phải chịu tổn thất rất lớn, trong khi tín dụng ngân hàng cần sự hỗ trợ để đồng vốn đến tay bà con hiệu quả hơn”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.

Bảo hiểm lãi vay cho nông dân

Lý giải tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn còn thấp, TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho hay: Tại ĐBSCL, tình hình các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gia tăng, mưa lũ, hạn hán thất thường do biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Mặc dù việc xây dựng các phương án cho vay và kiểm soát sau vay ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, những rủi ro từ cho vay với lĩnh vực NNNT vẫn rất cao. Trong khi đó lại chưa có các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của hàng triệu hộ dân.

Ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm, vì chưa có các sản phẩm bảo hiểm đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh… thì khả năng trả nợ ngân hàng của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và vay cầm chừng.

Trong bối cảnh đó, ngay tại hội thảo, LienVietPostBank đã chính thức công bố triển khai gói 5.000 tỷ vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm từ thiện lãi suất với mức lãi suất cả trung và ngắn hạn ở khoảng 9%. Trong trường hợp rủi ro như thiên tai, địch họa xảy ra với khoản vay, ngân hàng sẽ hỗ trợ từ thiện toàn bộ phần lãi suất vay vốn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, khu vực ĐBSCL cần phải tổ chức sản xuất theo hướng sản suất lớn. “Nếu doanh nghiệp bao tiêu được khâu từ sản xuất đến đầu ra, ngân hàng cần nghĩ đến chuyện đầu tư cho vay qua doanh nghiệp. Thời gian vừa qua chúng ta mới làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và cũng đã thấy một số bất cập. Do đó, nhiệm vụ chúng ta là phải nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý bất cập, ví dụ như trong việc tổ chức lại khâu sản xuất để hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Có như vậy, người nông dân, doanh nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng mới yên tâm đẩy mạnh hoạt động tín dụng nông nghiệp nông thôn”, Thống đốc nói.

Còn theo đánh giá của PGS.TS.Hạ Thị Thiều Dao (Đại học Ngân hàng TPHCM), bảo hiểm nông nghiệp luôn tồn tại "tình thế tiến thoái lưỡng nan" khi ít rủi ro thì nông dân không muốn tham gia bảo hiểm nhưng rủi ro nhiều thì doanh nghiệp lại không dám nhận. Do vậy, để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững thì Chính phủ phải hỗ trợ trên tinh thần quản lý; doanh nghiệp phải chủ động, còn người nông dân nên thấy tính lợi ích mà tham gia.

Và theo đề xuất của bà Dao, "Chính phủ cần tích cực tạo lập thị trường. Bảo hiểm nông nghiệp tuy quy mô hiện còn rất nhỏ nhưng trong tương lai có thể thực hiện được. Doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng hiểu biết cho người nông dân chứ không thể tiếp cận bằng những hợp đồng bảo hiểm phức tạp".


Nguyễn Hiền