Bội chi ngân sách ra sao mà năm nào cũng phải đi vay bù đắp?

(Dân trí) - Bội chi ngân sách Nhà nước vẫn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2022 cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối.

Bội chi ngân sách ra sao mà năm nào cũng phải đi vay bù đắp? - 1

Bội chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng.

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về Dự thảo “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội”.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2019 là 209.500 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, tăng thêm 18.000 tỷ đồng so với năm 2018.

Dự kiến đến hết năm 2019, dư nợ công bằng 56,1%GDP, dư nợ Chính phủ bằng 49,2%GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia bằng 45,8%GDP.

Từ nay đến hết năm 2019, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện và ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước, trong đó phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 5% so với dự toán. 

Đáng chú ý, trong các năm 2020-2022, tỷ lệ và cả số tuyệt đối bội chi ngân sách đều có xu hướng tăng.

Trong đó, năm 2020, Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm là 234.800 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, tương ứng tăng 25.300 tỷ đồng so với bội chi năm nay.

Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. 

Con số bội chi ngân sách năm 2021 và 2022 được Bộ Tài chính ước tính vào khoảng 3,5%GDP. Con số tuyệt đối lần lượt là 262.600 tỷ đồng và 288.900 tỷ đồng.

Tuy vậy, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn quy định (cuối năm 2020 dự kiến nợ công là 54,3%GDP, năm 2021 là 53,3%GDP, năm 2022 là 52,7%GDP).

Bộ Tài chính cũng điểm mặt một số rủi ro chính đối với Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước năm 2020-2022.

Theo Bộ Tài chính, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể, nội lực của kinh tế được tăng cường, tuy nhiên chưa thật sự bền vững do độ mở của nền kinh tế ở mức rất cao. Trong khi đó, cơ cấu vốn đầu tư xã hội và cán cân thương mại phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang trong bối cảnh có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, khả năng duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (6,8%/năm) là thách thức rất lớn. Ngoài yếu tố rủi ro về thu hút nguồn vốn FDI, xuất khẩu, còn phải kể đến các yếu tố không thuận lợi khác như thiên tai dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, chuyển đổi cơ chế quản lý giá, phí dịch vụ sự nghiệp công,...

"Những rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo rủi ro về thu ngân sách Nhà nước, do trên 70% thu ngân sách là thu nội địa từ sản xuất kinh doanh và trên 16% là thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu", Bộ Tài chính đánh giá.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, một rủi ro nữa cần tính đến là chi ngân sách gắn với các nghĩa vụ chưa được tính toán đầy đủ, chưa lường hết được như chi dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, quá trình phát triển sản xuất kinh doanh theo chiều rộng,...

Ngoài ra, bội chi ngân sách Nhà nước có rủi ro không đạt kế hoạch trong trường hợp rủi ro về thu ngân sách, hoặc rủi ro về chi gắn với các nghĩa vụ dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh, rủi ro trong việc đồng thời đảm bảo huy động nguồn cho ngân sách Nhà nước, hạn chế áp lực đối với mặt bằng lãi suất và kiểm soát nghĩa vụ nợ theo quy định.

Phương Dung