Bốc thăm góp vốn mua nhà công khai?
(Dân trí) - Lần đầu tiên một sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội tổ chức bốc thăm quyền góp vốn mua căn hộ thu hút hàng ngàn người tham gia. Xung quanh sự kiện này đã có nhiều ý kiến trái ngược về việc đặt cọc 50 triệu đồng để được đăng ký vào vòng bốc thăm.
Hàng trăm tập trung trước cửa sàn giao dịch để chờ được gọi tên vào bốc thăm.
Sau 2 ngày đăng ký và nộp luôn tiền đặt cọc 50 triệu đồng, ngày 4/11, tại sàn giao dịch Bất động sản Nam Cường đã tổ chức bốc thăm quyền góp vốn khu chung cư Lê Văn Lương cụm CT7, CT8 và khu khách sạn thương mại nhà ở HH2 thuộc đô thị mới Dương Nội (Hà Nội). Hơn 300 khách hàng nằm trong tổng số 900 phiếu khách hàng may mắn đã mua phiếu bốc thăm trước đó.
Ghi nhận của PV tại buổi bốc thăm sáng ngày 4/11 cho thấy, tình trạng lộn xộn, chen lấn của các khách hàng hầu như không còn xảy ra nữa do ban tổ chức đã rút kinh nghiệm và lượng khách hàng đến đây cũng giảm hẳn.
Việc bốc thăm được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của các khách hàng. Phiếu bốc thăm được chia làm 2 phần, một phần được chính khách hàng bỏ vào thùng phiếu và một phần được khách hàng giữ để đối chứng khi gọi tên. Nhiều khách hàng được chọn đã tỏ ra vui mừng vì lần đầu tiên được mua một căn hộ với giá gốc do chính chủ đầu tư bán ra.
Anh Hoàng Văn Thụ (Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, anh cũng đã đi khảo sát một số khu vực thì nhận thấy giá góp vốn như vậy là bình thường, không phải là thấp, nhưng anh vẫn cảm thấy vui.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết (Xuân La, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đến đây từ 2h sáng để chờ đợi đến lượt mình. Mặc dù giá của căn hộ tại đây cũng không phải là thấp trên thị trường, nhưng do chính chủ đầu tư bán ra, nên có thể tin tưởng được”.
Việc áp dụng hình thức bốc thăm quyền mua căn hộ theo ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó Tổng giám đốc tập đoàn Nam Cường là muốn đưa sản phẩm đến trực tiếp các khách hàng có nhu cầu thực sự với giá gốc.
Bốc thăm ngẫu nhiên sẽ hạn chế nhiều được "cò"
Tuy nhiên, xung quanh việc đặt cọc 50 triệu đồng để được quyền bốc thăm, đã có ý kiến cho rằng, số tiền mà tập đoàn Nam Cường thu về từ việc đặt cọc (mặc dù chỉ giữ lại tối đa là 7 ngày đối với những người không may mắn được góp vốn mua nhà) lên tới hàng chục tỷ đồng là không cần thiết. Việc này sẽ gây phiền hà cho khách hàng.
Nhưng theo giải thích của ông Việt, việc đặt cọc 50 triệu đồng đồng thời thực hiện bốc thăm mỗi người chỉ được một lần là nhằm hạn chế “cò”. Cụ thể là nếu có ai đó muốn dùng cách đưa nhiều người vào để cơ hội bốc thăm trúng suất góp vốn cao thì cũng đồng nghĩa với số tiền đặt cọc sẽ tăng cao.
Và như vậy, nếu một trong số những người được thuê có suất góp vốn, ai dám đảm bảo rằng họ không “quay lưng” hoặc giở trò với người đã “bơm” tiền thuê, nhất là khi tên người đó đã nằm trong danh sách được góp vốn mua nhà!
Quả thật, với cách làm trên, việc bốc thăm mua quyền góp vốn cũng đã hạn chế được rất nhiều hiện tượng “cò” trung gian. Tuy nhiên, ngay khi những khách hàng được quyền góp vốn hoàn thành thủ tục đăng ký ra khỏi cửa của sàn giao dịch BĐS Nam Cường thì lập tức có rất nhiều người đến xin số điện thoại liên hệ và hỏi những thông tin cụ thể về căn hộ mà họ đã được nhận.
Trong khi đó, được biết, khách hàng có quyền được cân nhắc lại hay thay đổi tên người khác góp vốn trong thời hạn 3 ngày mà không phải mất phí. Do đó, đây rất có thể là kẽ hở để “cò” hoạt động và thu lời. Tuy nhiên, theo ban tổ chức, việc này liên quan đến quyền lợi của khách hàng nên không thể cấm được, song phạm vi hoạt động của “cò” đã bị thu hẹp rất nhiều…
Mặc dù còn nhiều sơ suất trong khâu tổ chức song việc chủ đầu tư công khai giá bán được giới kinh doanh bất động sản đánh giá cao. Hơn nữa, người dân đang kỳ vọng vào việc đây sẽ trở thành một tiền lệ tốt cho các dự án của các chủ đầu tư khác, là điểm khởi đầu để thị trường tiến tới công khai minh bạch hơn.
Bài và ảnh: Lan Hương