Bóc bánh không trả tiền!
Cũng có câu “ăn bánh trả tiền” nhưng câu “bóc bánh trả tiền” quyết liệt và hợp lý hơn.
Bởi vì, bánh của người ta đang nằm trong lá, bày trên mẹt, thuận mua vừa bán, anh cầm lên xem thì không sao, chứ bóc ra rồi thì nếu anh bỏ không mua thì còn bán cho ai nữa. Nên anh phải trả tiền.
Có lẽ đó là điều khoản cơ bản nhất và cũng cổ sơ nhất của mọi đạo luật hay pháp lệnh thương mại, chắc là từ khi loài người vẫn còn lấy vỏ ốc làm tiền. Nó cũng nói về nghĩa vụ thực hiện giao kèo của người mua. Còn để bảo vệ cho người bán, để người bán nắm được đằng chuôi, đã có câu “tiền trao cháo múc”. Đưa tiền, đưa cháo gần như đồng thời, không ai chạy làng được với ai.
Thế nhưng nông dân Long An bán mía cho nhà máy đường hơn một tháng nay rồi, vẫn chưa được trả tiền! Mãi tới ngày 1/6, công ty này mới giải ngân 10 tỷ đồng để trả cho dân. Nhưng nông dân vẫn sôi sục vì chịu thiệt thòi đủ điều. Cơn giận của họ khó mà lường trước. Bởi vì, nhà máy đã “bóc bánh” thậm chí đã “ăn bánh” mà không trả tiền cả tháng (hợp đồng ký là phải trả trong vòng 7 ngày). Trong khi đó thì ngân hàng tính lãi cho nông dân từng ngày, có nông dân phải vay nóng lãi suất cao để trả nợ.
Chuyện như đùa này đã xảy ra không chỉ với nông dân trồng mía. Mà con cá trong ao ở Cần Thơ, Sóc Trăng bán cho Công ty Bình An dạo nào. Cháo đã múc hàng năm trời, nông dân è cổ trả nợ mà tiền vẫn không được trao. Người trồng sắn, người nuôi bò sữa cũng không thoát cảnh dở khóc dở cười ấy. Tóm lại là không thi hành hợp đồng đã ký, là “lật kèo”. Lý do chung chung là “doanh nghiệp khó khăn”! Chuyện khó của doanh nghiệp là có thật. Nhưng chuyện khó của nông dân còn thật và nặng nề hơn. Vì người trồng mía, người nuôi cá vốn liếng chuồn chuồn, như ngọn đèn dầu mong manh trước gió, động nhẹ là đã tắt. Mía không bán kịp thì thành củi, cá không giao được thì chết tiền thức ăn, lớn quá khổ không ai mua. Không còn cách nào khác, đành đưa bánh cho người ta bóc, phó thác cơ đồ cho thiện chí của doanh nghiệp.
Trước nay, trước những vụ lật kèo “ăn bánh không trả tiền” của doanh nghiệp, nông dân chỉ còn có cách tập hợp khiếu kiện đông người, dùng áp lực tập thể đòi nhà máy trả nợ. Đó là chuyện cầm dao đằng lưỡi, lúc thắng lúc thua, không khéo còn bị vạ lây “quấy rối trật tự công cộng”, gây khó khăn cho chính quyền địa phương cũng như làm nhờn phép nước.
Tại sao nông dân luôn chỉ được nắm dao đằng lưỡi? Vì chúng ta vẫn chưa có những chế tài kinh tế, tài chính bắt buộc để đảm bảo quyền thương mại của nông dân. Nhà nước có thể làm được gì để đảm bảo cái quyền chính đáng đó? Tòa án dân sự ở các nước rất nhạy bén và kịp thời. Bị kiện thì sạt nghiệp. Nói gọn, pháp luật của người ta nghiêm minh. Phương án kinh doanh nào cũng phải có sự đề phòng khó khăn, thua lỗ, ví như tiền thế chân ở ngân hàng để phòng bất trắc v.v... Đổ hết khó khăn và thua lỗ cho bạn hàng, những nông dân thấp cổ bé họng, còn mình vẫn ung dung là kiểu kinh doanh rừng rú.
Hoàn chỉnh hệ thống kinh tế thị trường là nghĩa vụ đối nội và đối ngoại thời hội nhập. Chừng nào chính quyền có biện pháp hữu hiệu để có thể thiết lập lại một điều khoản buôn bán xưa như Trái đất, từng tồn tại từ thời thượng cổ: Ăn bánh phải trả tiền”!?
Theo Nguyễn Quang Thân
Dân Việt