Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản đã về giá trị thực

(Dân trí) - Mức giảm bình quân từ 10 - 30%, có dự án giảm tới 50%. Do trước đây, giá bất động sản trên thị trường là giá ảo do đó, trong bối cảnh hiện tại, các chủ dự án bắt buộc phải giảm giá sản phẩm về giá trị thực để tăng khả năng thanh khoản.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thống đốc: Tín dụng năm nay có thể đạt trên 10%

Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản đã về giá trị thực

Cuối năm, doanh nghiệp lớn sợ lãi biến thành lỗ vì tỷ giá

Bình Thuận khó xử vì tạm dừng triển khai Kê Gà

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra sáng nay (ngày 24/12/2013), Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, các giải pháp tháo gỡ khó khăn gắn với chiến lược nhà ở đã đạt được kết quả tích cực.

 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Dũng, giá bất động sản đã giảm đến giá trị thực, phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế. Mức giảm bình quân từ 10 - 30%, có dự án giảm tới 50%. Do trước đây, giá bất động sản trên thị trường là giá ảo do đó, trong bối cảnh hiện tại, các chủ dự án bắt buộc phải giảm giá sản phẩm về giá trị thực để tăng khả năng thanh khoản. Song song với đó là hoạt động cấu trúc lại các dự án để phù hợp hơn với đối tượng mua nhà và cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm.

 

Lấy ví dụ thị trường bất động sản tại Hà nội, Bộ trưởng cho biết, chỉ số nhà chung cư đã liên tục giảm từ quý I đến nay; khu vực Cầu Giấy quý III giảm 27% so với quý I. Dự án chung cư trung cấp giá giảm 15%, chung cư cao cấp cũng giảm quanh mức giá đó. Khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, Nam An Khánh đều giảm 15 - 21%. Giá đất nền giảm mạnh, đặc biệt là dự án Nam An Khánh đã giảm 50% so với năm 2010

 

Trong khi đó, giao dịch bất động sản có chiều hướng tăng về cuối năm, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà chung cư cao cấp và trung cấp có vị trí thuận lợi. Thống kê hai quý cuối năm cho thấy, số lượng giao dịch thành công đã tăng gấp đôi so với 2 quý đầu năm.

 

Dẫn báo cáo của 17 doanh nghiệp, 5 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến hết tháng 11/2013 đã có 4.062 giao dịch thành công; tháng 10 và 11 có 1.420 giao dịch thành công; dự báo quý IV sẽ có 2.000 giao dịch thành công. Trong khi đó, quý I chỉ có 556 giao dịch thành công, quý II có 774 giao dịch.

 

Còn tại TPHCM, số lượng giao dịch bất động sản thành công trong quý III, IV đã gấp 4 lần quý I và quý II. Phân khúc nhà ở xã hội có các vị trí phù hợp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang thiếu hụt nhiều so với nhu cầu của người dân.

 

Về tồn kho bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chỉ số này tiếp tục giảm mạnh dù nguồn cung mới luôn được bổ sung, hết tháng 11/2013 tồn kho bất động sản ở mức 96.805 tỷ đồng, giảm 24,69% so với cuối quý I. Trong đó, Hà Nội giảm khoảng 20%, TPHCM giảm trên 30%.

 

Liên quan đến tình trạng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Dũng thừa nhận vẫn còn chậm song tình hình đã tiếp tục có chuyển biến. Ông cũng đánh giá, gói tín dụng này nhằm trực tiếp cứu thị trường bất động sản nhưng nếu thực hiện tốt thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành liên quan khác, góp phần tăng cầu cho nền kinh tế và một khi kinh tế ấm lên thì nhiều người sẽ có khả năng và quay lại mua nhà thương mại.

 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, tính đến hết ngày 15/12/2013, ngân hàng xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng.

 

Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng cam kết cho 1.450 khách hàng vay 527 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.

 

Như vậy, tính 15/12, gói hỗ trợ nhà ở đã chi 555,7 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 11. Trong nửa đầu tháng 12, số tiền giải ngân đã lên tới hơn 100 tỷ đồng, gần bằng cả tháng 11, gấp 3 lần tốc độ giải ngân trong tháng 6 và 7. Thế nhưng, mức giải ngân vẫn chưa tới 2%.

 

Theo Bộ trưởng Dũng, gói hỗ trợ này muốn thực hiện nhanh thì phải có nhiều doanh nghiệp tham gia và nguồn cung nhà ở xã hội phải nhiều nhưng hiện nay nguồn lại ít trong khi thủ tục lại nhiều; sự vào cuộc của các cơ quan liên quan còn chưa hiệu quả.

 

Ông cũng đề nghị, trong thời gian tới, Nhà nước các ngân hàng thương mại cần có các gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ người dân nghèo có điều kiện mua nhà ở song song với thực hiện Nghị quyết 02 mục đích chính là hỗ trợ cho người dân thu nhập thấp mua nhà, tăng thanh khoản cho thị trường.

 

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm