Bộ trưởng Vinh: Vay là phải trả, hãy "dẹp" lại tư tưởng vốn cho không!
(Dân trí) - “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ trong các cán bộ viên chức nhà nước và nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo của các địa phương hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không, càng vay càng tốt” - Bộ trưởng Vinh nhận xét.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 02/12/2013 tại phiên họp báo trước thềm Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2013), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, theo thông lệ quốc tế, khi đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải chuyển từ các khoản vay có ưu đãi sang các khoản vay có lãi suất cao hơn.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng lạc quan, dần dần, từ một nước nhận ODA, đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ vay thương mại thông thường và trở thành nước đi cung cấp ODA cho nước khác. Cũng tương tự như trường hợp của Thái Lan vừa rồi.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Áp dụng HNX FF-Index: Phản ánh đúng hơn xu hướng giao dịch 719 doanh nghiệp thuộc bộ, tỉnh nợ 72 nghìn tỷ |
Theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ phải làm quen dần từ việc nhận viện trợ không hoàn lại sang nhận các khoản cho vay có lãi suất, từ vay lãi suất ưu đãi, lãi suất thấp sang các khoản vay có lãi suất cao hơn và lãi suất thông thường.
Từ trước đến nay, đặc biệt là những năm đầu tiên, hầu hết nguồn vốn cho xóa đói giảm nghèo vẫn sử dụng vốn vay ưu đãi hoặc vốn viện trợ không hoàn lại bên cạnh nguồn ngân sách rất khổng lồ của Nhà nước. Thực tế, nếu là vốn của Nhà nước “cấp không” cho chương trình thì rốt cuộc, Chính phủ vẫn phải là người đi trả nợ.
“Nếu chúng ta cứ làm mãi như vậy, cứ cho không, cứ “bú sữa” mãi thì sẽ không thể vững vàng”. Do đó, phải chuyển đổi nhận thức từ người sử dụng vốn cho đến người quản lý vốn và người đi vay.
Chẳng hạn hỗ trợ vốn trong xóa đói giảm nghèo, đã đến lúc phải chuyển dần nhận thức từ “cho con cá” sang “cho cần câu”, phải làm thế nào để đồng bào thiểu số và những người nghèo làm quen với cung cách kinh doanh biết chịu trách nhiệm như những nơi khác.
“Tôi có 34 năm làm lãnh đạo các tỉnh miền núi, gắn bó với đồng bào dân tộc, triển khai xóa đói giảm nghèo, tôi hiểu sâu sắc vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, chuyển đổi được tư duy này thì sẽ tốt hơn cho đồng bào. Nếu như trước đây bị xếp vào diện nghèo, người ta lấy đó làm xấu hổ, nhưng nay, họ lại thấy tự hào, đua nhau vào diện nghèo để hưởng chính sách, không ai muốn thoát nghèo. Tôi cho đó là chính sách tồi!” – Bộ trưởng nói.
Xài của công, vay Nhà nước trả
Theo ông, quốc tế có một kinh nghiệm rất hay, đó là “không bao giờ cho không cái gì”. Đối với đồng bào thiểu số, mỗi dự án chỉ nên cho 85-90% để người nghèo trả 10-15%, qua đó, mới mới tạo được động lực, giúp họ thấy “làm không để chơi” mà khi đã tham gia thì phải nỗ lực thực hiện có hiệu quả. Ở đây, không phải Chính phủ hay các nhà tài trợ quốc tế thiếu tiền, buộc phải đối ứng 10-20% mà chính là để sàng lọc xem dự án có thiết thực với người dân hay không.
Ông dẫn ví dụ trong làm đường nông thôn, nếu người dân góp công góp sức thì họ sẽ có ý thực bảo vệ và sửa chữa, coi đó là “đường của mình”, còn trước đây, toàn bộ do Nhà nước làm, người dân sẽ vô trách nhiệm và coi đó là “đường Nhà nước”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, trong hỗ trợ, không thể cho không và cũng không thể cào bằng tất cả đối tượng nghèo với nhau. “Lười, trẻ khỏe mà không lao động, chỉ ỷ lại và ngồi chờ viện trợ, cấp vốn, trong khi người già họ vẫn lên nương. Như thế, chính sách mà cào bằng là vô lý!”. Do vậy, việc “cho không”và “cho vay” phải được pha trộn với nhau, xét trên tính hiệu quả và khả năng hoàn trả của dự án được cấp vốn.
Liên quan đến áp lực nợ công khi các khoản vay ngày càng hưởng ít ưu đãi, Bộ trưởng nhấn mạnh, giữa lúc ngưỡng nợ của Việt Nam đã gần chạm tới trần nợ công, nên mọi người dân đều phải hiểu, ODA không phải là vốn cho không.
Ông nói, “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ trong các cán bộ viên chức nhà nước và nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo của các địa phương hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không. Họ cho rằng càng vay càng tốt, bất chấp khả năng trả được hay không, chỉ cần vay được và cứ thế dùng, Nhà nước sẽ bao cấp. Đây là một nhận thức vô cùng nguy hiểm! Tôi đề nghị Dân trí và các báo hãy nói thật rõ vấn đến này: Vay là phải trả. Hôm nay chúng ta vay, mai con cháu phải trả, không ai cho không ai!”
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa rồi, Chỉ thị 1792 đã quy định siết chặt đầu tư công, “không thể cứ để làm ăn tràn lan, hiệu quả kém, kể cả vốn từ trái phiếu Chính phủ”. Bởi theo Bộ trưởng, vay thời hạn càng dài, lãi suất thấp thì áp lực trả nợ lại càng dai dẳng. Do vậy, nếu dự án khó có khả năng sinh lời thì phải có tác động lớn, ý nghĩa lớn với kinh tế - xã hội mới đầu tư.
Một mặt phải khống chế được trần nợ công trong giới hạn cho phép dưới 65%, nhưng mặt khác phải kiểm soát được dòng vay, chỉ khi đánh giá được hiệu quả thì mới đi vay. “Điều đó không chỉ tốt với chúng ta mà còn là trả ơn cho nhà tài trợ, vì mỗi đồng vốn chính là thuế của công dân các nước khác góp về”.
Diễn đàn VDPF năm nay sẽ thay thế diễn đàn CG tổ chức trong suốt 20 năm qua với những thay đổi cơ bản: Từ một diễn đàn định hướng ưu tiên huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và là nơi để các nhà tài trợ thông báo các khoản cam kết thì nay, VDPF sẽ đi theo hướng là một diễn đàn đối thoại mở rộng với sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam. VDPF dự kiến tổ chức vào ngày 5/12/2013 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khoảng 300 đại biểu, đại diễn lãnh đạo một số Bộ, ngành địa phương, đại diện các nhà đầu tư phát triển, các tổ chức xã hội nhân dân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Trong 20 năm qua, từ 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,2 tỷ USD, trong đó ký kết đạt 56 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng vốn ODA cam kết, bao gồm 51,6 tỷ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,6 tỷ USD chiếm 66,9% vốn ODA đã được ký kết. |
Bích Diệp