Bộ trưởng Tài chính: “Các tập đoàn để xảy ra nhiều vụ thua lỗ đáng tiếc”
(Dân trí) - “Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn còn thấp so với nguồn lực được giao, đã xảy ra những vụ việc kinh doanh thua lỗ, mất vốn, vi phạm pháp luật rất đáng tiếc, gây bức xúc, dư luận” - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khái quát.
Nhập nhằng trách nhiệm Chính phủ/Thủ tướng/Bộ trưởng
Đánh giá thực trạng của các tập đoàn, TCty nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khối DNNN này còn nhiều hạn chế, yếu kém.
DNNN còn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ. Ngược lại, nhiều DN nhà nước cần nắm giữ lại chỉ có quy mô nhỏ.
Việc cổ phần hóa khối DN này còn chậm, nhất là những năm gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm. Nhiều DN chỉ thực hiện thủ tục phá sản, giải thể cũng khó, nhiều trường hợp kéo dài trên 10 năm.
Chỉ riêng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản… nên việc rút khỏi các lĩnh vực này của các tập đoàn cũng hết sức khó khăn.
Ngoài ra, năng lực quản trị của DN chưa tương xứng, nhất là đối với các DN do nhà nước làm chủ sở hữ. Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ cũng nhận thấy thực tế là cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh nên dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu chưa rõ. Quản lý DNNN còn nhiều bất cập.
“Hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực DNNN còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu cũng như nguồn lực được giao, đã xảy ra những vụ việc kinh doanh thua lỗ, mất vốn, vi phạm pháp luật rất đáng tiếc, gây bức xúc, dư luận” – người đứng đầu Bộ Tài chính thừa nhận.
Một số tập đoàn, TCty có lỗ từ giai đoạn trước để lại đến nay cũng chưa xử lý được như TCty Dâu tằm tơ , TCty Xây dựng đường thủy.
Đề cập việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng Tài chính xác nhận, là chủ trương của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn kinh tế, TCty đặc biệt do Thủ tướng quyết định thành lập, chưa có sự phân định đủ rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ/Thủ tướng, của các Bộ quản lý ngành, Bộ quản lý tổng hợp (như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ…).
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu quan điểm phân trần, một số tập đoàn, TCty phải thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội do nhà nước giao như đầu tư ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) khó khăn. Một số lại phải thực hiện chính sách bình ổn giá (điện, than, xăng dầu) nhưng không có cơ chế hạch toán rõ ràng nên sản xuát kinh doanh gây lỗ, khó khăn cho DN cũng như cho việc nhìn nhận, đánh giá về DNNN.
Tập đoàn Điện lực EVN, TCty Xăng dầu Petrolimex, TCty Xăng dầu quân đội Mipecorp là những đơn vị được xác định lỗ do chính sách giá, do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá vì biến động lớn đầu năm 2011. Tính riêng EVN, số lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm 2011 đã là hơn 38.000 tỷ đồng, trong đó, lỗ do sản xuất kinh doanh diện khoảng 11.000 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá trên 26.000 tỷ đồng. Đây là tập đoàn có mức lỗ lớn nhất hiện nay, dù là đơn vị có mức doanh thu hàng đầu.
Báo cáo cũng khái quát, năm 2011, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, TCty đặc biệt khó khăn, phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính như chi phí lãi vay cao (hầu hết các tập đoàn, CTy đầu tư dựa trên vốn vay). Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại giảm do lạm phát tăng cao nên lượng hàng tồn kho nhiều, ứ đọng khâu lưu thông hàng hóa dẫn đến hàng loạt DN nhỏ và vừa phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, đặc biệt là với thị trường xây dựng, bất động sản công nghiệp ô tô.
Tình hình kinh doanh của một số tập đoàn, TCty vì vậy giảm sút nhiều. TCty xây dựng công trình giao thông 5, doanh thu năm 2011 chỉ bằng 55% so với 2010. TCty xây dựng số 1 doanh thu vẫn tăng 28% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 52,8%. TCty xi măng doanh thu cũng tăng 16% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 42%.
Một hạn chế khác được Bộ Tài chính chỉ ra, việc Chính phủ phân công, phân cấp, giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cho Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc các tập đoàn, TCty trong việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại đơn vị thời gian qua cũng được đánh giá chưa rõ ràng. Chưa có chế tài đồng bộ và đủ mạnh xả lý đối với các cấp lãnh đạo tập đoàn này trong trường hợp sản xuất kinh doanh yếu kém, không hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước, không chấp hành các khuyến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Ngay cả việc thanh kiểm tra dẫn tới những kiến nghị trong công tác quản lý tại các tập đoàn nhưng chế tài cũng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để buộc các đơn vị phải thực hiện, chế tài xử lý trong trường hợp DNNN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2012 – 2015, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh việc tái cơ cấu để nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các tập đoàn, TCty. Nhiệm vụ đặt ra là lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của các tập đoàn, TCty này.
Việc tái cơ cấu sẽ hướng tới các khía cạnh: tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, chiến lược – kế hoạch kinh doanh và sản phẩm; tổ chức lao động; tài chính; quản trị doanh nghiệp; quản lý nhà nước.
Ông Huệ cho biết, nhà nước sẽ thực hiện triệt để hơn việc phân định chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, TCty đặc biệt. Đổi mới cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
P.Thảo