Bộ trưởng Huệ: "Chứng khoán sẽ khởi sắc trong năm 2012"!

(Dân trí) - "Thị trường chứng khoán sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết trước ý kiến cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt tại Bộ Tài chính là chưa phù hợp, đề nghị chuyển về cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Bộ trưởng Huệ, về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì không phải bây giờ chúng ta mới đề cập tới, mà đã được bàn trong khi xây dựng Luật về chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2006.
 
Bộ trưởng Huệ: "Chứng khoán sẽ khởi sắc trong năm 2012"! - 1
Các nhà đầu tư chứng khoán có thể hy vọng gì vào năm 2012?

“Tôi xin nói, ngành ngân hàng làm chức năng điều hành, quản lý chính sách về tiền tệ. Còn Bộ Tài chính thì quản lý, điều hành về chính sách tài khóa và chính sách về thị trường vốn, chứng khoán. Có 2 thị trường khác nhau là thị trường tiền tệ và vốn. Trong thị trường vốn có thị trường chứng khoán. Chính phủ đề nghị và Quốc hội đồng ý để Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính”, ông Huệ nói.

Theo ông Huệ, các nước trên thế giới có 2 mô hình cơ bản là Ủy ban chứng khoán là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính như ở Việt Nam và Ủy ban chứng khoán là cơ quan có tính độc lập tương đối, điều hành theo cơ chế hội đồng hay gọi là ủy ban nhưng chịu trách nhiệm báo cáo với Bộ Tài chính. Do đó, ông Huệ nhấn mạnh: “Tôi chưa thấy mô hình nào mà cơ quan chứng khoán lại trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhất là mô hình các nước thành lập ngân hàng trung ương. Vì chính sách tiền tệ, thị trường vốn và thị trường tài chính là khác nhau”.

Thứ nhất, bản thân chứng khoán là một kênh để huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Đối với những nước theo mô hình anglo saxon như Mỹ, Anh… thị trường chứng khoán là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, tỷ lệ vốn hóa gấp mấy trăm lần GDP. Còn ngược lại ở một số nước Tây Âu theo mô hình Latin, kể cả Nhật Bản, thị trường chứng khoán cũng là một kênh để huy động vốn trung và dài hạn, nhưng không phải là kênh chủ yếu để cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Còn các ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò cung cấp vốn ngắn hạn. Đặc biệt, thị trường chứng khoán rất thích hợp cho các loại đầu tư rủi ro và mạo hiểm. Vì rủi ro của NHTM thuộc loại rủi ro có tính hệ thống cao, cho nên mọi việc cho vay của NHTM chỉ thích hợp cho vay ngắn hạn và cho vay đầu tư có khả năng chắc chắn thu được vốn và thu được tiền cho ngân hàng. Còn thị trường chứng khoán là chủ yếu kênh huy động vốn trung và dài hạn và kênh rất hấp dẫn cho các loại quỹ và các loại đầu tư có tính chất mạo hiểm nhất là cho các loại ngành công nghệ cao, sinh lời rất lớn nhưng khả năng rủi ro cũng rất cao. Vì vậy 2 kênh này không thể gắn với nhau.

Thứ 2, để Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính còn liên quan tới việc gắn chặt phát triển thị trường chứng khoán với công tác cổ phần hóa và cải cách sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ 3, Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính vì trong trường hợp này Bộ Tài chính còn phát triển hệ thống thị trường trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ (đều thuộc chức năng của Bộ Tài chính). Việc phát triển các kênh huy động và phát hành trái phiếu Chính phủ và sau này nữa là thị trường trái phiếu doanh nghiệp gắn với quản lý điều hành của Bộ Tài chính và gắn với chứng khoán.

Đấy là những lý do căn bản mà theo Bộ trưởng Huệ là “để Ủy ban chứng khoán thuộc Bộ Tài chính thì thích hợp hơn”.

Nói về chính sách điều hành thị trường năm 2012, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đang xem xét lại các công ty chứng khoán tồn tại trong các NHTM. Nếu điều hành không khéo sẽ không phân tách được vốn tín dụng và vốn thông qua công ty chứng khoán, khiến thị trường khó kiểm soát và trở nên méo mó.

Hiện tại, một số các NHTM đầu tư và cho vay nhưng thực chất là ủy thác đầu tư qua các công ty chứng khoán của mình. Điều đó cũng làm cho nền kinh tế bị méo mó. Vì vậy, 2 kênh thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn phải song hành, có mối quan hệ chặt chẽ nhưng được phân định một cách rõ ràng và phải kiểm soát minh bạch, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, năm 2012 là năm đầy hứa hẹn với chứng khoán. Điển hình là vào thời điểm diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng với nhân dân, thị trường chứng khoán có 5 phiên xanh liên tiếp.

“Bộ Tài chính cùng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã làm hết sức mình vì sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chúng ta không chỉ lo cho ngày hôm nay, ngày mai của chứng khoán, mà đã có tầm nhìn cho 10 - 20 năm sau của thị trường chứng khoán”, ông Huệ cho hay.

Vì tương lai của thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính tiếp tục có kế hoạch nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán. Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán cũng đã soạn thảo và trình Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, các công ty chứng khoán. Các đề án này đã hoàn thành. Thường trực Chính phủ đã chấp nhận và ủy nhiệm cho Bộ Tài chính ký trình Bộ Chính trị. Trong khi đó, tái cấu trúc về công ty chứng khoán thực sự bắt đầu theo Quyết định 62/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 10/1/2012.

Với các đề án khác như đề án về thị trường đầu tư gián tiếp, cơ cấu lại trái phiếu Chính phủ theo những lô lớn có tính thanh khoản cao, việc tăng cường công tác quản trị các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tính công khai minh bạch trên thị trường, Ủy ban chứng khoán cũng đã thực hiện một cách quyết liệt.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về quỹ mở, thời gian tới sẽ xem xét đến những vấn đề về quỹ hưu trí… Cùng với phát triển hệ thống thông tin điện tử, nâng cấp hệ thống hạ tầng, về lâu dài sẽ nghiên cứu để tích hợp sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng tính việc tích hợp 2 hệ thống để làm sao tạo ra thị trường thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Tôi xin nói rằng, không ít nhà đầu tư trên thế giới đánh giá tiềm năng của thị trường trái phiếu châu Á và trong đó có Việt Nam – thị trường rất triển vọng trong năm 2012.

Với các biện pháp ngắn hạn, trung và dài hạn quyết liệt, đồng bộ như vậy, đặc biệt đây là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Nguyễn Hiền - Bích Diệp