(Dân trí) - "Vẫn còn quá sớm để nói chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do Covid-19, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021".
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Năm 2021 tiếp tục giải cứu, phục hồi nền kinh tế
"Vẫn còn quá sớm để nói chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021".
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về năm 2021 với nhiều trọng tâm được đưa ra. Nhân dịp xuân mới Tân Sửu 2021, báo Dân trí xin trích đăng trả lời của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính về những dấu ấn tài chính - ngân sách năm 2020 và những đột phá năm 2021.
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ...
Thưa ông, năm 2020, nền kinh tế trải qua những biến động lớn hay nói là "cú sốc" lớn của Covid-19, ông có thể chia sẻ những dấu ấn của ngành tài chính khi đối diện với nhiều ấp lực?
Như các bạn đã biết, nhiệm vụ năm 2020 được triển khai thực hiện trong điều kiện chưa từng có tiền lệ, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Kinh tế trong nước phục hồi tích cực trong các năm 2016-2019, nhưng đã suy giảm mạnh, chỉ đạt 2,9% trong năm 2020, kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020 xuống mức 6% (kế hoạch là 6,5-7%).
Nhiệm vụ năm 2020 được triển khai thực hiện trong điều kiện chưa từng có tiền lệ
Rất may là quy mô chi ngân sách 5 năm 2016-2020 ước đạt 28%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP), năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 29%, chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, bội chi ngân sách Nhà nước trong cả giai đoạn giảm còn khoảng 3,6%GDP (mục tiêu là dưới 3,9%GDP); giảm mạnh nợ công từ mức 63,7%GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,8%GDP cuối năm 2020...
Đây là những tiền đề để chúng ta thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và quyết định trong năm 2021 - năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ lớn của đất nước.
Điều hành tài chính ngân sách trong bối cảnh Covid-19 "ăn mòn" lợi nhuận nhiều ngành, lĩnh vực, quả là nhiệm vụ khó khăn thưa Bộ trưởng?
Khi xuất hiện đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm.
Về chi, cả nước đã tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49.300 tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.
NHỜ COVID-19, TIẾT KIỆM 70% PHÍ HỘI NGHỊ, CÔNG TÁC...
Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín (WB, IMF...), sang năm 2021 kinh tế thế giới sẽ bước vào quá trình phục hồi. Tuy nhiên, quá trình này giữa các quốc gia là rất khác nhau, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, cũng như khả năng phổ cập vắc xin phòng dịch.
Tuy nhiên, đối với nước ta, những thành quả đạt được trong năm 2020 là hết sức tích cực và đáng tự hào nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do Covid-19.
Nền kinh tế vẫn còn đó những yếu kém nội tại chưa được xử lý dứt điểm, trong đó có nhiều yếu kém lớn, cốt lõi.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chính sách để tiếp tục hỗ trợ, duy trì quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021, trong đó giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Như vậy, hỗ trợ phát triển và hồi phục sản xuất là những việc trọng tâm của ngành Tài chính đặt ra trong năm 2021 thưa Bộ trưởng?
Nói chung, có hoạt động sản xuất mới có doanh thu, lợi nhuận và phát triển, chúng ta không quá đặt nặng về việc tạo ưu đãi nhiều, hỗ trợ lắm mà phải xây dựng môi trường tốt cho doanh nghiệp tự do phát triển.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành Tài chính là phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5%GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo hoàn thành dự toán thu về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021.
QUYẾT LIỆT MINH BẠCH HÓA, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÔNG
Năm 2021, đầu tư công tiếp tục được đặt ra quyết liệt để làm vốn mồi cho tăng trưởng và tạo nền tảng, cơ sở vật chất cho phát triển, Bộ Tài chính có kế hoạch gì mới để làm hiệu quả hơn hoạt động đầu tư công?
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý 1 năm 2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công.
Chúng tôi sẽ minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.
Chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát bị đình trệ nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.
Tuy nhiên, đáng nói hơn, năm qua trách nhiệm người sử dụng vốn chưa được đề cao, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh, chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu…
Để tháo gỡ cho kế hoạch của năm tới và giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn trong tất cả các khâu.
Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân do vướng mắc thực thi quy định pháp luật như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư...
Về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!