Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngân sách tiết kiệm 3.000 tỷ đồng nhờ cắt hàng nghìn đầu mối làm việc

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2019 ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm nhiệm vụ được giao trong đó có nhiệm vụ cắt giảm số phòng ban, đầu mối làm việc, giúp giảm nguồn chi cho ngân sách Nhà nước. Năm 2019 với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã giữ được tỷ lệ nợ công ổn định, cơ cấu lại nguồn vay hợp lý.

Đầu năm mới Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã có chia sẻ với báo chí về nhiệm vụ công tác ngành năm 2020 và khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm, Bộ Tài chính năm 2020 sẽ đạt được những mục tiêu và kỳ vọng lớn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ngân sách tiết kiệm 3.000 tỷ đồng nhờ cắt hàng nghìn đầu mối làm việc - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo ông Dũng năm 2019, an toàn nợ công của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ bám sát mục tiêu, giải pháp đề ra, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh, tăng vay về cho vay lại và rà soát các hiệp định đảm bảo đúng quy định.

Với nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước rất lớn, Việt Nam vẫn phải chi đầu tư và vay nợ. Năm 2016 đến 2019, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ kiểm soát nợ công khá tốt.

Theo ông Dũng, tốc độ tăng dư nợ công chỉ khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 so với giai đoạn 2011 - 2015 là 18,1%/năm, chỉ bằng chưa đầy một nửa. Tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, duy trì trong ngưỡng an toàn. Theo tính toán, năm 2016, tỷ lệ nợ công/GDP là 63,7%, đến cuối năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 55% GDP. 

Ngoài vấn đề ổn định tỷ lệ nợ công, theo ông Dũng, năm 2019 ngành Tài chính đã làm tốt việc cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ. Theo đó, các khoản nợ Chính phủ chủ yếu là phát hành trái phiếu tại thị trường vốn trong nước và các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. 

Bộ Tài chính đã chuyển dịch dần việc vay nước ngoài sang vay trong nước để tránh rủi ro tỷ giá. Các khoản vay quốc tế cũng đều có lãi suất không ưu đãi và đi kèm khá nhiều điều kiện ràng buộc.

Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2011, dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ, cuối năm 2019, vay trong nước đã đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ. Thời gian phát hành trái phiếu (kỳ hạn) bình quân năm 2012 là 4 năm thì nay là hơn 13 năm, thậm chí có trái phiếu phát hành 20 - 30 năm… Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ tăng lên, đồng nghĩa với việc vay vốn của các tổ chức trong nước qua trái phiếu giúp trách nhiệm tăng lên. 

Một mặt nữa là lãi suất vay qua phát hành trái phiếu cũng giảm sâu, năm 2011 -2013 có nhiều khoản vay lãi suất gần 13%. Tuy nhiên, bình quân năm 2019 lãi suất là 4,5%

Nguồn vốn vay cũng đa dạng hơn, trước đây ngân hàng thương mại cung cấp khoảng 80% khoản vay qua trái phiếu Chính phủ, nay chỉ còn 40%; Các nhà đầu tư khác như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham gia rất mạnh vào thị trường trái phiếu Chính phủ. 

Về cải cách bộ máy, Bộ trưởng Tài chính cho hay, đây là khâu đột phá trong cải cách hành chính. Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới, giảm bớt bước trung gian không cần thiết, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2019, theo ông Dũng, toàn ngành đã bãi bỏ 49 thủ tục, đơn giản hoá 23 thủ tục; cắt giảm 129 điều kiện kinh doanh thuộc 16 ngành nghề lĩnh vực quản lý. 

Đặc biệt, việc cắt giảm các đầu mối năm 2019 được làm rất nghiêm túc và có thể nhân rộng trong năm 2020. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2019 toàn ngành đã cắt giảm được 2.172 đầu mối.

Trong đó, Tổng cục Thuế cắt giảm được 1.968 đầu mối (giảm 63 phòng tham mưu, thanh tra của cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 193 chi cục thuế tại các cục thuế tỉnh, thành phố; giảm khoảng 1.712 đội thuế thuộc chi cục thuế).

Hệ thống kho bạc Nhà nước cắt giảm 191 đầu mối (đã cắt giảm 128 phòng và tương đương; 15 kho bạc Nhà nước cấp huyện; giảm 48 phòng thuộc kho bạc quận).

Tổng cục Hải quan đã thực hiện sắp xếp giảm 12 chi cục hải quan thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố. Cơ quan Bộ Tài chính giải thể 1 đơn vị cấp phòng thuộc Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

Ông Dũng khẳng định, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành Tài chính, trong 2 năm 2019 và 2020 có thể tiết kiệm cho ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc làm khó. Nhưng với quyết tâm, cách làm thận trọng và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức… ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Về nhiệm vụ năm 2020, theo ông Dũng, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020 là 1,5 triệu tỷ đồng, dự toán chi là 1,7 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tỷ lệ bội chi là 3,44% GDP. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Đến hết năm 2019, đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm (2016 - 2020) như: tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 24,7% GDP (mục tiêu là 23,5%), cơ cấu thu nội địa trong tổng thu tăng dần, năm 2019 là 82% và năm 2020 dự kiến đạt gần 84%. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 27 - 28% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu 25 - 26%). 

Tỷ trọng chi thường xuyên không bao gồm chi cải cách tiền lương năm 2019 khoảng 60,35%, dự toán năm 2020 là 60,5% (mục tiêu năm 2020 là dưới 64%); bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống mức dưới 3,4% GDP thực hiện; tỷ lệ nợ công khoảng 55% GDP (giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP)...

Theo ông Dũng, đây là cơ sở để toàn ngành tin tưởng và tiếp tục kiên định phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu về tài chính - ngân sách Nhà nước đề ra của nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Tài chính sẽ gặp phải thách thức không nhỏ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với khó khăn từ bên ngoài cũng như nội tại, nhất là thiên tai, dịch bệnh, tình hình thế giới còn nhiều biến động, bất ổn trong quan hệ thương mại khu vực và thế giới. 

Nguyễn Tuyền