Bộ trưởng Công Thương: Không còn hiện tượng dân đổ xô đi mua hàng
(Dân trí) - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tại một số địa phương xuất hiện ca nhiễm Covid-19 vừa qua, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng.
Nhiệm vụ đặt ra nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp - thương mại, cơ sở các mục tiêu được đặt ra.
"Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong quý 1 và quý 2 này rất nặng, chúng ta cần phải nhiều giải pháp để phấn đấu đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới nhất gửi tới Bộ Công Thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã có đến 8.000 công nhân đang phải cách ly tại nhà, bởi dịch bệnh Covid-19.
"Nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, rồi ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại", ông Tuấn Anh nêu vấn đề.
Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, bối cảnh hiện tại rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt thống nhất để có giải pháp phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh, cụ thể với đặc thù của từng khu vực sản xuất.
Đặc biệt theo ông Tuấn Anh, cần phải huy động các doanh nghiệp tham gia sâu vào chiến dịch này với cam kết cụ thể cùng với chính quyền các cấp để đảm bảo tham gia phòng tránh dịch bệnh.
Hàng hóa dồi dào, dân không còn đổ xô đi mua khi dịch bùng phát
Liên quan đến các vấn đề bình ổn thị trường, Bộ trưởng Công Thương khẳng định nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp dự kiến tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường cũng đã có xu hướng tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Đặc biệt theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tại các địa phương mới phát hiện các ca nhiễm Covid-19 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định phục vụ người dân đón Tết.
"Nhân dân trong tỉnh sau khi nắm bắt thông tin về ca nhiễm Covid-19 nhưng đã không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng", Bộ trưởng Công Thương cho biết.
Tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM và Hà Nội, UBND TP cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hóa trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.
Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện Bình ổn thị trường các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện chương trình một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 01 điểm bán bình ổn). Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết.
Theo đó tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra việc găm giữ hàng, vi phạm về giá; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng thực phẩm; kiểm tra hàng hóa tại các hội chợ, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Mặc dù đều có phương án song Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, vấn đề băn khoăn hiện nay là câu chuyện cơ chế chính cách để địa phương chủ động hơn đối với sản phẩm nguồn cung và việc mua các sản phẩm thiết bị để phục vụ phòng chống dịch cũng như cân đối cả thị trường.
"Rất cần Bộ Y tế để các cơ sở tại địa phương tham gia sâu hơn và có sự chủ động cho các phương án cung cấp sản phẩm", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.