Bộ trưởng Công Thương: Đề xuất một cơ chế "rất khắt khe" ở quy hoạch điện 8
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã đề xuất cơ chế "rất khắt khe" cho quy hoạch điện 8, đó là hàng năm giao cho Bộ 6 tháng một lần rà soát...
Phát biểu tại buổi họp tổ ở Quốc hội ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, báo cáo của Chính phủ đã đề cập rất rõ các thiệt hại, cả về con người lẫn kinh tế xã hội do đại dịch. "Nhưng cũng qua đại dịch, chúng ta nhìn rõ hơn thực lực của nền kinh tế. Nhìn rõ hơn khả năng thích ứng và năng lực thực tế của hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở", ông Diên nói.
Bàn về giải pháp phục hồi kinh tế năm 2021, 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất bổ sung thêm ngay các nhiệm vụ, giải pháp làm sao nâng được nội lực kinh tế. Vì qua đợt dịch Covid 19 vừa qua, nhận thấy năng lực kinh tế trong nước, doanh nghiệp trong nước rất hạn chế.
Lĩnh vực thành công nhất năm nay, theo Bộ trưởng, chính là xuất khẩu. Trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu vẫn tăng trưởng 18,8%. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp trong nước tham gia vào xuất khẩu còn rất nhỏ, 3/4 vẫn thuộc về FDI. Đáng chú ý, ngành chế biến chế tạo phát triển nhất đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu, nhưng lại nằm ở khu vực FDI.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, cơ hội của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký mang đến rất nhiều, nhưng có lẽ lợi ích lẽ ra Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lại vẫn còn khoảng cách xa.
Theo đó cùng với các giải pháp phục hồi kinh tế thì đồng thời phải tập trung nhằm nâng cao nội lực kinh tế đất nước, nâng cao khả năng của các doanh nghiệp Việt .
Bộ trưởng cũng cho biết, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần có sự thay đổi, bởi lẽ thời điểm này các doanh FDI mới khai thác và tận dụng cơ hội khi Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do mới là chủ yếu. Họ đến Việt Nam ngoài môi trường đầu tư, giá đất rẻ, nhân công rẻ thì còn là vấn đề xuất xứ hàng hóa.
"Trong khi đó điều kiện ràng buộc để FDI phải có chuyển giao về công nghệ hay phải đóng góp tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng về vật tư hay trong quá trình sản xuất ra thành phẩm thì cũng là câu chuyện cần quan tâm", Bộ trưởng lưu ý.
Để làm tất cả việc trên thì Bộ trưởng nhấn mạnh đến "thể chế, thể chế và thể chế". Song hiện nay việc sửa đổi luật còn mất nhiều thời gian. Bộ trưởng đồng tình việc nên có thêm các kỳ họp chuyên đề, bàn về 1 luật sửa nhiều luật.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, Bộ trưởng cho biết nhiều nước trên thế giới đang "điêu đứng" về năng lượng. Nguyên nhân là tổng cầu tăng lên sau Covid-19 khi nước nào cũng có chiến lược, chiến thuật cho phát triển kinh tế nên nhu cầu dùng điện tăng lên. Trong khi đó tổng cung nguyên liệu sơ cấp, nhất là nguyên liệu hóa thạch cũng giảm vì ảnh hưởng của Covid-19… Vấn đề nữa là chiến dịch trung hòa carbon.
Theo ông Diên, ngay từ thời điểm này họ đã đóng cửa khai thác nguyên liệu hóa thạch. Chính vì thế giá năng lượng cao và khả năng dự báo khủng hoảng năng lượng của cả thế giới sẽ diễn ra trong những năm tới. Việt Nam khó tránh khỏi.
"Bộ Công Thương được giao tham mưu để rà soát quy hoạch điện 8, hiện đã rà soát và cơ bản đã hoàn thành. Bộ Công Thương đã lấy được ý kiến của các bộ ngành liên quan và đã trình Chính phủ", Bộ trưởng Công Thương thông tin.
Theo đó dự thảo quy hoạch mới đã có dự báo tương đối sát với tổng cầu của Việt nam năm 2030- 2045, đồng thời đã bước đầu rà soát cân chỉnh để cân đối giữa các nguồn điện, kể cả cân đối nguồn điện truyền thống, nguồn năng lượng mới; cân đối vùng miền, cân đối giữa nguồn và hệ thống truyền tải.
Bộ trưởng nhấn mạnh, điều quan trọng là cơ chế điều hành như thế nào. "Chúng tôi đề xuất cơ chế điều hành rất khắt khe cho quy hoạch điện 8. Đó là hàng năm giao cho Bộ Công Thương được quyền 6 tháng một lần rà soát", ông Diên nói.
Lần 2, 6 tháng tiếp theo không chỉ phạt tiền theo cam kết mà còn đẩy tiến độ phát điện. Lần rà soát thứ 3 sau 18 tháng không thực hiện được thì cấp có thẩm quyền thu hồi dự án mà thiệt hại thuộc nhà đầu tư.
"Với cơ chế điều hành rất khắt khe, quyết liệt như vậy hy vọng việc cung ứng điện năng cho đất nước được đảm bảo. Điện là bánh mỳ của nền kinh tế", ông Diên cho hay.