Bộ trưởng Công Thương cảnh báo nguy cơ thiếu điện từ năm 2021
(Dân trí) - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho cho biết việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2024 là hiện hữu.
Sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH). Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có giải trình về một số vấn đề liên quan tới việc triển khai các dự án điện và bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thời gian qua, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng cải thiện. Tuy vậy, mục tiêu đảm bảo cung cấp điện trong ngắn hạn đang đặt ra nhiều thách thức; các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, thủy điện lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí dần suy giảm, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch.
“Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện cho thấy, việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2024 là hiện hữu” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, với trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển KT-XH, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát tiến độ các dự án điện, tính toán nhu cầu phụ tải và cân đối cung cầu điện trong các năm đến 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Từ kết quả đánh giá, Bộ thường xuyên báo cáo Chính phủ về kế hoạch vận hành hệ thống trong ngắn hạn, giải pháp đảm bảo cung cầu điện cho từng giai đoạn.
Đối với điện mặt trời, đến nay, tổng công suất điện mặt trời đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vào vận hành trên 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 5.000 MW.
Đối với điện gió, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW. Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống; phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, số lượng và công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian qua là rất lớn (hơn 25.000MW điện mặt trời và 45.000MW điện gió). Các đề xuất này tiếp tục được nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII.
Để bảo đảm triển khai quy hoạch tổng thể chung cho thời gian tới, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ ngay trong quý IV năm 2020. Trong đó, bám sát nội dung Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Dự kiến theo Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Công Thương thông tin: Về nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc (Nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng giảm dần; nguồn thủy điện được huy động tối đa; Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; Phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG; Phát triển nguồn thủy điện tích năng và các nguồn tích trữ năng lượng để điều tiết hệ thống và tăng khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo).
Quy hoạch lưới điện đảm bảo hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển nguồn điện, linh hoạt hơn trong quản lý vận hành và có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo, khả năng truyền tải các nguồn điện gió xa bờ; định hướng phát triển lưới điện thông minh, lưới điện truyền tải siêu cao áp trên 500kV, truyền tải một chiều...
“Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách, giải pháp để huy động vốn đầu tư; chú trọng đến cơ chế xã hội hóa đầu tư phát triển điện lực; cơ chế đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; cơ chế để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án điện đề ra trong Quy hoạch” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Châu Như Quỳnh