1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng nhận BĐS qua sàn: Minh bạch hay giấy phép con?

(Dân trí) - Quy định mới về việc khi làm giấy tờ nhà đất phải có giấy chứng nhận đã qua sàn giao dịch bất động sản (BĐS) khiến nhiều người đặt dấu hỏi, liệu điều này có thể hiện minh bạch hay là một giấy phép “con” trong giao dịch nhà đất?

Đây là một trong những vấn đề đáng chú ý đã được ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường BĐS chia sẻ với báo giới.

Chứng nhận BĐS qua sàn: Minh bạch hay giấy phép con? - 1
Thị trường BĐS giá thấp sẽ phù hợp hơn nữa.
 
Chủ đầu tư có trách nhiệm làm giấy chủ quyền cho người mua
 
Hiện đang có tình trạng người dân mua nhà chung cư nhưng bị trì trệ sổ đỏ. Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai?
 
Khi bán nhà, không kể chung cư, mà cả nhà riêng lẻ, nhà biệt thự, chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm giấy chủ quyền nhà cho người mua. Trừ khi có thỏa thuận khác giữa chủ đầu tư và người dân, chẳng hạn người dân tự đi làm thì người dân đi làm.
 
Luật quy định việc này thuộc trách nhiệm của công ty kinh doanh nhà. Nếu đơn vị nào không làm, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, sẽ bị chế tài, bị phạt. Nếu không làm, thì lần sau sẽ không được làm dự án nữa.
 
Mới đây có quy định khi làm giấy tờ nhà đất phải có giấy chứng nhận đã qua sàn giao dịch BĐS. Xin ông cho biết, việc này đã triển khai đến đâu?
 
Quy định này là mới nên việc triển khai chưa nhiều. Việc cấp giấy theo luật mới sẽ chuyển sang Bộ TNMT.
 
Việc này có sợ trở thành một giấy phép “con” không?
 
Người dân muốn minh bạch hóa thông tin. Vậy phải có cái để làm bằng chứng là BĐS đó đã qua sàn rồi. Nếu không các chủ đầu tư vẫn "lách", như vậy thì quy định giao dịch BĐS phải qua sàn cũng bằng không!
 
Nguy cơ khủng hoảng từ thị trường cao cấp?
 
Thị trường BĐS đang có những chuyển biến tích cực, số giao dịch nhà đất tăng lên đáng kể. Nhiều người cho rằng đó là “sốt ảo”, không phải là do nhu cầu. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
 
Theo tôi, thị trường nhà đất đang có nhu cầu rất lớn, chứ không phải nhu cầu “ảo”. Ảo ở đây là sản phẩm đó chưa đến được tay người tiêu dùng hoặc giá của sản phẩm đó vẫn còn vượt quá khả năng chi trả của người dân, chứ còn nhu cầu thì rất nhiều.
 
Trong khi nền kinh tế chưa hồi phục, mà giá BĐS ở Việt Nam vẫn tăng cao. Theo ông, nguyên nhân ở đây là gì?
 
Các mặt hàng nói chung tại một thời điểm nhất định, thì phụ thuộc vào khả năng cung cầu. Cung của mình ít, mà cầu lại nhiều, thì giá cả phải tăng. Đó là quy luật. Muốn giá BĐS giảm xuống, thì cung phải giảm xuống so với cầu.
 
Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS trong thời gian tới?
 
Nhu cầu về nhà ở, văn phòng, công nghiệp, dịch vụ, thương mại… còn rất lớn, do vậy thị trường BĐS trong thời gian tới vẫn phát triển và giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu.
 
Có thể phân khúc thị trường sẽ giảm. Ví dụ phân khúc nhà ở cao cấp không thể tăng mãi. Kể cả với nhà ở cho người thu nhập thấp, sắp tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc làm nhà cho các đối tượng này nên phân khúc thị trường này có thể phù hợp hơn.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương