Bộ Tài chính nói gì về cú nhảy giá xăng dầu?
(Dân trí) - Trong khi các giải pháp tài chính khác không còn như: thuế nhập khẩu ở mức 0%, Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết…, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới tăng cao.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới.
Nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 2/2012 với giá xăng dầu thế giới bình quân làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 10/10/2011, mức tăng sẽ là: xăng (6,97%); dầu diezel (9,68%); dầu hỏa (8,56%); ma zút (12,79%); dầu thô WTI (21,73%). Đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2/2012 và đầu tháng 3/2012 giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây.
Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết. Theo đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tính toán và thống nhất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá xăng tăng 2.100 đồng/lít; các loạt dầu tăng từ 600 đồng đến 2.000 đồng/lít (kg) kể từ 16h hôm nay, 7/3.
Bộ Tài chính còn cho biết: Nếu tính đủ thuế theo barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200đ/lít đến 6.500đ/lít tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu. Mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% đến 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, tổng số tiền giảm thu ngân sách Nhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.
Nguyễn Hiền