Bộ Tài chính muốn Bộ Công Thương quản lý giá và Quỹ bình ổn xăng dầu

Thảo Thu

(Dân trí) - Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá cho Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, phù hợp thực tế phát sinh.

Cụ thể, nêu quan điểm về đề xuất giao đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu tại văn bản góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cũng là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở. Điều này dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giao thống nhất cho một cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu và là cơ quan điều hành giá xăng dầu, để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bộ Tài chính muốn Bộ Công Thương quản lý giá và Quỹ bình ổn xăng dầu - 1

Bộ Tài chính cho rằng nên giao đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là cơ quan nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh xăng dầu; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.

Cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác, tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

"Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá cho Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu, phù hợp với thực tế phát sinh, cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân", Bộ Tài chính nhận định.

"Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng, giảm giá tại thời điểm điều hành giá", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Đề nghị giao Quỹ bình ổn xăng dầu cho Bộ Công Thương

Bộ Tài chính cũng đề nghị giao việc quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu cho Bộ Công Thương. Bởi, đây là quỹ tài chính không tổ chức quản lý tập trung, mà được giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quản lý.

"Bộ Công Thương vừa là cơ quan cấp phép, thu hồi giấy phép, vừa là cơ quan điều hành trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, nên việc giao Bộ Công Thương thực hiện giám sát tính tuân thủ của các doanh nghiệp này đối với trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu là phù hợp", Bộ Tài lập luận, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ về hệ thống phân phối xăng dầu và các bất cập hiện nay.

Bộ Tài chính muốn Bộ Công Thương quản lý giá và Quỹ bình ổn xăng dầu - 2

Tình hình trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam từ năm 2015 đến tháng 9/2022 (đơn vị tính: triệu đồng).

Bộ này cũng đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định cho rằng thiếu hụt xăng dầu vừa qua là do cơ quan quản lý chưa kịp thời cập nhật, tính đúng, đủ chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được cơ quan này thực hiện thường xuyên, bảo đảm điều chỉnh theo kỳ công bố tại Nghị định 95/2021.

Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng, khoản Premium trong nước cũng được điều chỉnh 2 lần theo báo cáo thực tế của các đầu mối xăng dầu.

Sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án: giữ nguyên như quy định hiện hành (tức là liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng quản lý xăng dầu); giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài Chính; giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương.

Tuy vậy, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì, còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ này cho rằng đề xuất này nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Phương án này cũng có ưu điểm là Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành.

Theo Bộ Công Thương, phương án này có nhược điểm là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn về cho Bộ Công Thương thì dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu nhưng lại dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.