Bộ Tài chính lý giải chính thức về giá sữa

Trong 72% nhập khẩu đó thì 4 hãng sữa lớn là Dutch Lady, Abbott, Nestlé, Mead Johnson đã chiếm đến 61% thị phần. 4 “ông lớn” hoàn toàn có thể quyết định giá bán.

 
Bộ Tài chính lý giải chính thức về giá sữa - 1
Các loại sữa ngoại đang chiếm tới 72% thị phần tại Việt Nam.

Lần đầu tiên cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có một báo cáo chính thức gửi Chính phủ về giá sữa sau hàng loạt thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông cũng như bức xúc của người tiêu dùng.

Theo bản báo cáo, năm 2008, do tác động của giá vốn nhập khẩu tăng so với năm 2007 (khoảng từ 6,26 - 54,41%) nên hầu hết các doanh nghiệp đều điều chỉnh tăng giá mặt hàng sữa, với mức tăng khá cao, thậm chí tăng nhiều đợt.

Sang đầu năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm (khoảng 13,8 - 43%), nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức giá cao tăng từ năm 2008, thậm chí có doanh nghiệp tiếp tục tăng giá.

Cao nhưng… chưa nhất

Đơn cử như Công ty cổ phần sữa Việt Nam tăng giá 21 sản phẩm từ 1,5 - 10,8%; Công ty 3A phân phối sữa bột Abbott tăng giá 3 đợt, mỗi đợt bình quân 4 - 7,8% cho trên 20 sản phẩm sữa; Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Nam phân phối sữa Dumex tăng 31 sản phẩm từ 3 - 21%; Hãng Dutch Lady tăng giá sữa bột Cô gái Hà Lan lên 6 - 10%; sữa Anpha tăng 9 -10%...

Những tháng đầu năm 2009, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng giá. Công ty 3A tăng 3,89 - 4,23%; Hãng sữa Namyang (Hàn Quốc) tăng giá sữa hiệu XO lên 10%.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương về vấn đề này. Cụ thể, kết quả khảo sát của Thương vụ đại sứ quán Việt Nam ở một số nước với 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa nước ngoài so sánh với giá sữa tại thị trường trong nước cho thấy giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung là cao hơn từ 20 - 60%, có trường hợp cao hơn 100-150% nhưng nếu so với một số nước như Singapore, Hàn Quốc… thì lại thấp hơn.

Chính vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, mặt bằng giá sữa Việt Nam nói chung là cao, nhưng chưa phải là… cao nhất thế giới.

Quan điểm của Cục Quản lý giá là, việc so sánh giá sữa ở thị trường các nước với nhau nói chung là khó khăn và không thật chính xác vì nhiều tiêu chí về quy cách, chất lượng sản phẩm ở mỗi nước khác nhau.

Mặt khác, chính sách điều tiết (qua các sắc thuế) ở mỗi nước cũng khác nhau, chưa nói đến các yếu tố như thói quen tiêu dùng, thị phần, tổ chức mạng lưới kinh doanh, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ… dẫn đến hình thành giá bán khác nhau.

Chi phí bán hàng quá cao

Báo cáo lên Chính phủ, Cục Quản lý giá đã đưa ra các nguyên nhân (tồn tại từ lâu và được chỉ ra nhiều lần) dẫn tới giá sữa tại Việt Nam cao.

Thứ nhất đó là do sữa ngoại hiện chiếm thị phần khá cao trên thị trường (72%), một số hãng sữa lại độc quyền trong nhập khẩu và phân phối sữa trên thị trường Việt Nam thường áp đặt giá cao, trong khi giá vốn sữa nhập khẩu của một số loại chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá bán như sữa bột nguyên liệu chiếm 56 - 67% giá thành sản phẩm; sữa bột nguyên hộp có giá vốn nhập khẩu chiếm 89 - 91% giá vốn hàng bán ra trên thị trường.

Thói quen, tâm lý sử dụng sữa ngoại của người tiêu dùng cũng là yếu tố dẫn tới sốt giá sữa nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên cơ quan này cũng thừa nhận người tiêu dùng “khó có thể tìm được sản phẩm thay thế có mức giá cạnh tranh” trên thị trường.

Ngoài ra, các kết quả thanh tra của hơn 50 sở tài chính các tỉnh, thành phố, cho thấy một nguyên nhân nữa. Đó là khá nhiều doanh nghiệp sữa đã chi các khoản chi phí bán hàng (đặc biệt là chi hoa hồng, quảng cáo, khuyến mại…) quá lớn, vượt quá quy định 10% của Bộ Tài chính.

Đơn cử như Công ty TNHH Thông Thịnh phân phối sữa Mead Johnson chi tới 56,37%; Công ty cổ phần sữa Việt Nam chi 22%; Công ty cổ phần dinh dưỡng Đồng Tâm chi 22%; Công ty TNHH YAKULT Việt Nam chi 19,29 - 37,5%...

Chưa có giải pháp triệt để?

Nghịch lý giá sữa ở Việt Nam đang là vấn đề gây bức xúc đối với người tiêu dùng. Một trong số các giải pháp là quy hoạch mạng lưới kinh doanh sữa hợp lý.

Theo đó, Bộ Công thương và Bộ Y tế cần căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng trong nước để sắp xếp lại mạng lưới nhập khẩu và cung ứng sữa, khắc phục tình trạng độc quyền trong nhập khẩu và phân phối sữa.

Tuy nhiên, đây là một giải pháp không dễ thực hiện, đòi hỏi thời gian cũng như nhiều giải pháp đồng bộ khác đi kèm, khi mà lượng sữa sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 28%, còn lại tới 72% phải nhập khẩu.

Không những thế, trong 72% nhập khẩu đó thì 4 hãng sữa lớn là Dutch Lady, Abbott, Nestlé, Mead Johnson đã chiếm đến 61% thị phần. Với tỉ lệ này, 4 “ông lớn” hầu như hoàn toàn có thể quyết định giá bán.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính được Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, tới đây cần tăng cường công tác quản lý giá sữa.

Nhà nước quản lý giá sữa theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất nhập khẩu tự định giá, cạnh tranh giá, chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước thông qua các biện pháp bình ổn giá, đăng giá, kê khai giá, niêm yết giá theo hình thức đăng ký giá bán buôn, bán lẻ trong nước và kê khai giá CIF tại cảng Việt Nam.

Giá sữa tại thời điểm kê khai không được cao hơn giá tương ứng của sữa cùng loại tại các nước trong khu vực có điều kiện thương mại tương tự Việt Nam.

Trên thực tế, việc kiểm soát và kê khai giá sữa không đơn giản bởi giá sữa đã được hình thành ở mức cao từ nước xuất khẩu. Mặt khác, việc so sánh giá sữa giữa thị trường các nước rất khó chính xác bởi tiêu chí và chất lượng sản phẩm khác nhau cũng như các yếu tố khác tác động đến giá sữa cũng khác nhau. Cơ quan quản lý sẽ khó có đủ số liệu giúp xác định cao hơn hay thấp hơn để kiểm soát, xử lý.

Giải pháp “trong trường hợp giá có biến động hoặc biến động bất thường Nhà nước sẽ kiểm soát các yếu tố hình thành giá hoặc có thể quy định giá tối đa hay khung giá tối đa” cũng chỉ có thể thực hiện được khi Pháp lệnh giá được sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa. Do vậy, trước mắt người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận nghịch lý “thu nhập thấp nhưng giá sữa lại quá cao”.

Theo Nguyễn Hà
DĐDN/Doanh Nhân