Quản lý giá sữa ngoại: Chỉ là muốn hay không?!
(Dân trí) - Thừa nhận có loại sữa nhập khẩu vào Việt Nam giá cao hơn các nước trong khu vực đến 150%, nhưng đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chỉ tuyên bố “sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu xem việc giá sữa cao có hợp lý hay không”.
Trong khi người tiêu dùng bất bình thì giá sữa ngoại vẫn nhấp nhổm tăng (ảnh: SGTT).
Thời gian qua, tình trạng giá sữa ngoại liên tục tăng, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực khiến người dân có cảm giác mình đang bị “lừa”, bị móc túi. Trong khi đó, chưa có một cơ quan nhà nước nào đứng ra bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Về việc này không thể biện minh rằng, các cơ quan chức năng không hề biết hoặc không thuộc trách nhiệm của mình. Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã từng trả lời trên báo chí:
Về nguyên tắc, mỗi năm khoảng 4 lần (cuối quí), các cơ quan quản lý Nhà nước nhận được báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình kinh doanh. Bản thân Bộ Tài chính có thể phân tích được báo cáo ấy một cách rành mạch và tính toán được giá cả hợp lý của sản phẩm để quản lý thị trường cũng như biết giá thực của sữa.
Trong cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp vào giá nhưng Luật Cạnh tranh qui định là nếu chỉ dẫn sai để người tiêu dùng bị ngộ nhận thì là vi phạm. “Đây là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến tương lai một dân tộc thì Nhà nước phải đứng ra quản lý. Nếu đưa lên một giá quá cao thì Nhà nước có thể can thiệp” - ông Vang nói.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt hàng sữa không thuộc diện do Nhà nước định giá nhưng sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Nếu giá sữa biến động liên tục trong vòng 15 ngày và tăng 20% so với trước đó, Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá. Với những điều kiện trong việc bình ổn giá như vậy, dư luận cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa ngoại thừa biết cách để không chịu sự can thiệp của Nhà nước.
Tại buổi hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bản khảo sát giá một số loại sữa bột nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều con số khiến người ta giật mình: Nhiều loại sữa ngoại đang bán trên thị trường Việt Nam có giá chênh lệch rất lớn so với nước ngoài.
Giá sữa trong nước ngày càng tăng ngay cả khi giá sữa trên thế giới giảm, rồi nhà nước thực hiện chính sách giảm giá thuế sữa nhập khẩu thì nhiều doanh nghiệp vẫn tìm đủ mọi mọi cách tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngay trong báo cáo kết quả khảo sát này của Cục quản lý cạnh tranh cũng phải thừa nhận “hiện tượng giá sữa nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước là khá rõ ràng”. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo giới cuối hội thảo nói trên, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng “Cục sẽ tiếp tục... điều tra, nghiên cứu, xem việc giá sữa cao có hợp lý hay không”!
Sự “thận trọng” của một vị lãnh đạo Cục quản lý cạnh tranh như vậy đã không làm cho người dân cảm thấy an tâm, trái lại họ còn cảm thấy lo lắng hơn. Và một khi những sản phẩm sữa “có vấn đề” với những chứng cứ rõ ràng không được công khai, người dân có quyền đặt câu hỏi cho hành vi bao che, tiếp tay hay ít nhất là thiếu trách nhiệm của một bộ phận quản lý nhà nước!
Lan Hương