1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ “lỏng tay”, doanh nghiệp xăng dầu suýt lời to

Các DN xăng dầu tới đây sẽ phải nộp thêm 125 tỷ đồng, đưa con số truy thu thuế lên 470 tỷ - theo Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan này cũng “tuýt còi” Bộ Tài chính vì ban hành nhiều quy định tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN xăng dầu.

Đây là kết quả kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước về quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 tại Tổng cục Hải quan, được thực hiện từ ngày 4/4 đến 9/6 vừa qua.

 

Tăng thu cho ngân sách thêm 470 tỷ đồng

 

Theo cơ quan này, số thuế mà Bộ Tài chính phải truy thu đối với DN xăng dầu không phải là 345 tỷ đồng, mà phải là 470 tỷ. Lý do không phải do DN gian lận, trốn thuế, mà bởi Bộ Tài chính ban hành sai quy định trong việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất xăng dầu.

 

Cụ thể, năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 194/2010/TT-BTC trong đó có quy định không đúng với Nghị định 154/2005/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ.

 

Tại điểm đ, khoản 3, Điều 37 của Thông tư 194, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, trường hợp hàng hoá tạm nhập nhưng không tái xuất hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập hàng tính thuế theo quy định như hàng hóa nhập khẩu bình thường.

 

Nhưng Khoản 3, Điều 9, Nghị định 154 của Chính phủ thì nêu rõ, trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác.
 
Bộ “lỏng tay”, doanh nghiệp xăng dầu suýt lời to

 

Chính vì việc không thay tờ khai hải quan mới theo quy định nên đã dẫn tới việc tính sai thời điểm áp thuế phải nộp đối với hàng loạt lô hàng xăng dầu tạm nhập, không tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa.

 

Thuế nhập khẩu xăng dầu thay đổi khá thường xuyên trong một năm. Vì vậy, thuế phải nộp ở các thời điểm tờ khai hải quan khác nhau sẽ dẫn tới chênh lệch thuế, tăng lên, hoặc giảm đi rất lớn.

 

"Sai một ly đi một dặm", Kiểm toán Nhà nước kết luận vì "lỗi" này, Bộ Tài chính đã làm giảm thu ngân sách tới 469,664 tỷ đồng.

 

Trên thực tế, trước khi có cuộc làm việc của Kiểm toán Nhà nước, Bộ này cũng đã "tự phát hiện" ra lỗ hổng trong chính sách của mình. Hồi tháng 12/2012, Bộ đã ban hành công văn 17060/BTC-VP gửi các đơn vị hải quan yêu cầu, phải thay tờ khai mới cho lô xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa, sau đó, tính thuế theo thời điểm của tờ khai mới.

 

Theo đó, Tổng cục Hải quan rà soát, đã ra lệnh truy thu số thuế phát sinh "mới chỉ là" 345 tỷ đồng đối với 7 DN. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 170 tỷ đồng, Công ty Hóa dầu Quân đội 10 tỷ đồng, Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp 56 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội 19 tỷ đồng, Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 640 triệu đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam 62 tỷ đồng. Công ty CP Lọc hóa dầu Nam Việt 26 tỷ đồng.

 

Đến nay, đã có 6 DN nộp bổ sung 319 tỷ đồng. Song, vụ việc hồi tố trách nhiệm nộp thuế này vẫn đang gây ra phản ứng gay gắt từ phía các DN.

 

Hoán đổi xăng dầu: "Ngư ông đắc lợi"

 

Một "sai phạm" lớn là câu chuyện thí điểm hoán đổi xăng, dầu có nguồn gốc mua từ nước ngoài tạm nhập khẩu để sử dụng với xăng, dầu mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất tái xuất sang Lào. Chưa nói đến việc sai sót trong thủ tục hải quan, sáng kiến hoán đổi này đã gây bất bình đằng giữa các DN.

 

Kiểm toán Nhà nước cho hay, Điều 33 Luật Hải quan và điều 29, Luật Thương mại quy định về hàng hóa tạm nhập tái xuất... nêu rõ, hàng hóa tạm nhập khẩu phải tái xuất khẩu trong thời hạn quy định và phải được làm thủ tục hải quan. Nếu không tái xuất mà được bán, tặng, trao đổi thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu. Hai luật này đều không cho phép được "hoán đổi" hàng hóa.

 

Tuy nhiên, Thông tư số 62/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 17/4/2012 đã hướng dẫn xăng dầu tạm nhập có nguồn gốc từ nước ngoài về sử dụng được hoán đổi cho xăng dầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất để tái xuất sang Lào. Hơn nữa, Thông tư này chỉ áp dụng cho riêng hai DN là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

 

Chính bởi vậy, hải quan đã không thu thuế ở khâu nhập khẩu xăng dầu tạm nhập. Kiểm toán xác định, số thuế xăng dầu nhập khẩu tương ứng với số lượng xăng dầu đã tái xuất của Dung Quất tại thời điểm kiểm toán là trên 21 tỷ đồng.

 

Sở dĩ, có câu chuyện hoán đổi trên là xuất phát từ nguyện vọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hồi cuối năm 2011. Tập đoàn này cho rằng, theo quy định, xăng dầu tạm nhập từ các cửa khẩu sẽ về tổng kho đầu nguồn của PV Oil tại Sài Gòn, Vũng Tàu, sau đó chuyển cửa khẩu đến khu vực miền Trung để tái xuất sang Lào.

 

Trong khi đó, PVOil lại sở hữu xăng dầu cùng chủng loại mua của nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại kho Vũng Áng miền Trung để phục vụ thị trường nội địa ở Sài Gòn. Trên thực tế, xăng dầu có nguồn gốc từ nước ngoài đều được bơm vào kho, trộn chung với chủng loại xăng dầu từ Dung Quất .

 

PVN tính toán, vừa phải vận chuyển xăng dầu từ Sài Gòn ra miền Trung để xuất khẩu sang Lào, vừa phải vận chuyển đúng cùng chủng loại xăng dầu đó từ miền Trung về Sài Gòn phục vụ nội địa, như vậy sẽ làm tăng gấp đôi phí vận chuyển.

 

Vì thế, PVN đã đề xuất việc hoán đổi trên để thiểu chi phí bán xăng dầu.

 

Có thể thấy, nhờ sự "hỗ trợ" bằng văn bản của Bộ Tài chính, hai "ông lớn" PVOil và Petrolimex có thể giảm giá thành sản phẩm, có lợi hơn khi bán xăng dầu trên thị trường nội địa. Trong khi đó, 10 DN đầu mối còn lại vẫn phải chịu chi phí vận chuyển khi bán xăng dầu nội địa mà lại không được "hỗ trợ" nào.

 

Trước tình trạng đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát các tờ khai xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012 và truy thu số thuế gần 470 tỷ đồng trên. Đồng thời, Bộ này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quản lý xăng dầu tạm nhập tái xuất theo đúng luật, chấm dứt việc thực hiện thí điểm hoán đổi xăng dầu tạm nhập không tái xuất sang Lào mà phải mua xăng dầu của Nhà máy lọc đầu Dung Quất để tái xuất.

 

Theo Phạm Huyền

VEF