1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ GTVT quyết không hạ phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

(Dân trí) - Sau những phản ứng gay gắt của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM về phí đường bộ bị cho là bất cập đang phải nộp trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ Giao thông Vận tải tái khẳng định đây là mức phí hợp lí và sẽ tiếp tục áp dụng thu.

Thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều ngày qua. Sự kiện này tiếp tục được bàn luận sôi nổi và nóng hơn cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì chiều tối ngày 7/3.
 
Bộ GTVT quyết không hạ phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn giải về lí do thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm đáp ứng vốn và hoàn vốn cho dự án, Bộ GTVT đã xây dựng mức phí và lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và trình Chính phủ, khi Chính phủ phê duyệt thì Bộ GTVT mới cho áp dụng thu.

Mức phí thu trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương được Chính phủ quy định là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe con từ 12 chỗ trở xuống - PV), các xe lớn hơn thì được quy theo tiêu chuẩn và nhân số tiền lên. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thu thì nhiều nhà xe và doanh nghiệp vận tải đã có phản ứng gay gắt vì cho rằng đó là mức quá cao.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng cho biết: “Thực chất, việc mức phí trên đường cao tốc mà Bộ GTVT đề xuất với 1 km = 1.000 đồng/xe tiêu chuẩn là mức thấp nhất so với các nước trong khu vực như ở Trung Quốc mức phí thu là 1 tệ/km (tức là khoảng 3.000 VNĐ - PV). Khi Bộ GTVT đề xuất mức thu phí này cũng đã tham khảo mức thu của các nước và tính đến vấn đề thu nhập của người Việt Nam. Đây là mức thu hợp lí và sẽ tiếp tục được áp dụng thu.” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Vị Thứ trưởng này cũng dẫn chứng và so sánh với mức thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang áp dụng là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tức là cao gấp 1,5 lần nhưng ở tuyến vận tải phía Bắc này các doanh nghiệp không có ý kiến gì, trong khi tại TP.HCM - Trung Lương mức phí thấp hơn mà đơn vị vận tải lại phản ứng.

“Bộ GTVT cho rằng mức thu hiện nay ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hợp lí và cần phải tổ chức thu để hoàn vốn và có tiền để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc khác” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Bộ GTVT quyết không hạ phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Mức phí thu trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ tiếp tục được áp dụng

 
Trả lời câu hỏi của PV tại sao thu phí ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương rồi nhưng vẫn xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ đi song song. Thứ trưởng Trường cho rằng cao tốc TP.HCM - Trung Lương được xây dựng bằng hình thức BOT và Chính phủ đã phê duyệt các trạm phí cho cả đường cao tốc và đường quốc lộ 1 hiện tại.

Theo Thứ trưởng Trường, quốc lộ 1 từ TP.HCM đi Trung Lương đã mở rộng 4 làn xe và chất lượng đường rất là tốt, thêm vào đó trong thời gian qua Chính phủ cũng đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mở rộng đoạn đường này. Do vậy việc dựng 2 trạm thi phí tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm chia bớt lưu lượng cho đường thấp tốc đi sang đường cao tốc để khai thác đường cao tốc tốt hơn. Việc thu phí song hành cả cao tốc TP.HCM - Trung Lương và quốc lộ 1 phải thực hiện nếu không chắc chắn xe sẽ đổ dồn về quốc lộ 1 làm hỏng đường.

“Trước đây, toàn bộ số lượng xe lưu hành trên TP.HCM - Trung Lương là khoảng 35.000 xe/ngày-đêm, từ khi thu phí thì số lượng này giảm xuống còn 14.000 - 15.000 xe/ngày-đêm, số lượng khoảng 17.000 xe dồn sang quốc lộ 1, và nếu quốc lộ 1 vẫn cứ tình trạng như hiện nay thì chỉ 1 thời gian ngắn nữa là sẽ hỏng, vì thế chúng tôi cũng đang kiến nghị với Thủ tướng là cho dừng thu trạm trên quốc lộ 1 để giữ quốc lộ 1 và thu phí hoàn vốn cho cao tốc TP.HCM - Trung Lương một cách nhanh nhất” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

Về những lo ngại khi tiếp tục áp dụng thu mức phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương như hiện nay sẽ khiến một số doanh nghiệp vận tải tăng mức phí vận chuyển như đã tuyên bố, Thứ trưởng Trường nhìn nhận: “Đây mới chỉ là ý kiến một số doanh nghiệp tư nhân và Bộ GTVT cũng đang tập hợp các ý kiến này lại. Còn việc doanh nghiệp vận tải tăng chi phí khác lên để giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp đó phải cân nhắc, bởi nếu doanh nghiệp tăng giá lên thì người ta sẽ không thuê nữa”.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm