Định đoạt ra sao số phận dự án cao tốc Bắc - Nam “trắng tay” sau mời thầu?
(Dân trí) - Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017. Dự án có chiều dài 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 6 dự án sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Về tình hình lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công của 6 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 3 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 16/17 gói thầu xây lắp; còn lại 1 gói thầu (trụ tháp, dầm dây văng) thuộc dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu, dự kiến triển khai thi công từ tháng 1/2021.
Ba dự án đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ, trong đó hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2021, còn lại cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Liên quan đến 5 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngày 20/7/2020, bên mời thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển, tổng số 14/16 nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu.
Đến ngày 5/10/2020, bên mời thầu đã tổ chức đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình thực hiện đóng/mở thầu được bên mời thầu và các nhà đầu tư tổ chức thực hiện công khai, đúng quy định pháp luật về đấu thầu, trước sự chứng kiến của các bên có liên quan và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Kết quả, trong 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (QL45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (Nghi Sơn - Diễn Châu).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu đang đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Đối với 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, nhằm xử lý triệt để các khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT trước đây; tạo niềm tin, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong giai đoạn tới.
“Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng kiến nghị.