1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ Công Thương: Mua mỹ phẩm đắt tiền trả góp là khiếu nại nổi cộm năm 2019

(Dân trí) - Một số lượng lớn người tiêu dùng khiếu nại về việc được mời đến cơ sở chăm sóc sắc đẹp để trải nghiệm dịch vụ và mua trả góp bộ mỹ phẩm có giá trị lớn. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi trả sản phẩm thì không được doanh nghiệp giải quyết.

Bộ Công Thương: Mua mỹ phẩm đắt tiền trả góp là khiếu nại nổi cộm năm 2019 - 1
Cơ quan quản lý khuyến cáo người tiêu dùng đọc kỹ điều khoản mua hàng trả góp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương vừa thông tin về việc tiếp nhận các khiếu nại, hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo Cục CT&BVNTD, trong năm 2019, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng qua các phương thức như: email, bưu điện và gửi trực tiếp (80% đơn khiếu nại được gửi qua phương thức email).

Tới thời điểm hiện tại, hơn 96% đơn khiếu nại đã được giải quyết thành công trên cơ sở thống nhất phương án giải quyết giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp; một số vụ việc không giải quyết thành do người tiêu dùng không cung cấp đủ cơ sở, nội dung để xem xét giải quyết; hiện còn 25 vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Cục CT&BVNTD cũng liệt kê một số vụ việc khiếu nại điển hình trong năm 2019.

Đầu tiên, đó là vụ việc mua trả góp bộ mỹ phẩm. Theo đó, một số lượng lớn người tiêu dùng khiếu nại về việc được mời đến cơ sở chăm sóc sắc đẹp để trải nghiệm dịch vụ và mua trả góp bộ mỹ phẩm có giá trị lớn, tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi trả sản phẩm thì không được doanh nghiệp giải quyết.

Trên cơ sở các đơn khiếu nại, Cục CT&BVNTD đã tiến hành làm việc với Công ty nhằm giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, theo đó, những trường hợp đủ điều kiện đổi trả sản phẩm đã được giải quyết.

Bên cạnh đó, Cục CT&BVNTD cho biết đã phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan có liên quan để xác minh và làm rõ các nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng.

Ngoài ra theo cơ quan này, người tiêu dùng khiếu nại việc mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng khi nhận hàng thì sản phẩm không đúng như nội dung quảng cáo. 

Trên cơ sở các đơn khiếu nại, Cục CT&BVNTD đã tiến hành làm việc với các công ty liên quan và nhận thấy các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn.

Một trường hợp khiếu nại nổi cộm khác đó là việc thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối.

Theo đó, người tiêu dùng khiếu nại việc không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.

Thậm chí, một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, của người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.

Nguyễn Mạnh