Bộ Công Thương lên tiếng về tỷ lệ năng lượng tái tạo ở quy hoạch điện 8

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trước nhiều ý kiến trái chiều về cơ cấu nguồn điện, Bộ Công Thương khẳng định các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa.

Bộ Công Thương lên tiếng về tỷ lệ năng lượng tái tạo ở quy hoạch điện 8 - 1

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền (Ảnh: Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi các bộ ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với báo cáo quy hoạch điện 8 sau khi đã rà soát.

Theo kế hoạch, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đáng chú ý, tại bản dự thảo mới nhất này, một số thông số đã có sự thay đổi so với Tờ trình 1682 mà Bộ Công Thương trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay.

Trong đó, sự thay đổi trong phương án phát triển nguồn điện khi tăng điện than, giảm năng lượng tái tạo sau khi rà soát nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, góp ý về bản dự thảo lần này của Bộ Công Thương, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, bản dự thảo là bước lùi khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

Còn theo ông Lê Anh Tuấn - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - dự thảo quy hoạch điện 8 phần nào "thắt lại" lộ trình xanh khi giảm các nguồn năng lượng tái tạo, tăng nhiệt điện than so với dự thảo trước.

Nói về những điểm đáng chú ý tại dự thảo này, ngày 23/9, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Bộ Công Thương đã khẩn trương rà soát, phân tích và hoàn thiện toàn bộ nội dung của Dự thảo quy hoạch điện 8.

"Nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682 trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Cũng theo đơn vị này, trong lần rà soát lần này, cơ cấu nguồn điện đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW giảm khoảng gần 7.700 MW so với Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW và 6.000 MW. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

"Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030.

Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, quy hoạch điện8 hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch điện 7 điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong quy hoạch điện 8.

Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh khoảng 15.000 MW.

Theo đó, nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.