Bộ Công Thương: Khó xử nông, thủy sản ngoại "đội lốt" hàng Việt vì... thiếu Luật
(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về tình trạng một số nông, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường với tên gọi của sản phẩm cùng loại tại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa..
Bộ Công Thương cho biết, dù hành vi gian lận "đội lốt" hàng Việt chưa phổ biến song đã làm giảm uy tín của sản phẩm Việt và làm ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước.
Có ba nguyên nhân được Bộ Công Thương phán đoán là gây nên tình trạng trên là: Các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa yêu cầu hàng hóa lưu thông tại Việt Nam bao gồm cả hàng nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trong đó bắt buộc xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với hàng hóa là thực phẩm tươi sống, nông sản thủy sản không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Chính vì thế, sau khi hoàn thành các thủ tục nhập khẩu và đưa vào chợ dân sinh, người bán bỏ bao bì, nhãn mác trên bao bì sau đó bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khẳng định: Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến rủi ro một số nông sản nước ngoài có thể đội lốt nông sản Việt Nam tại các chợ dân sinh mà cơ quan chức năng khó xử lý.
Thứ hai là quy định về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một các toàn diện, triệt để đối với nông sản, thủy sản.
Theo đó, Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định về một số điều của Luật An toàn thực phẩm chỉ áp dụng đối với sản phẩm "không bảo đảm an toàn", tức là chỉ khi các sản phẩm không an toàn, thương nhân mới thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm.
Đặc biệt, luật pháp Việt Nam chưa có quy định như thế nào là sản phẩm được coi là sản phẩm Việt Nam. Hiện chỉ có những hàng hóa xuất khẩu mới được áp dụng xuất xứ là hàng Việt, còn chưa áp dụng đối với hàng lưu thông trên thị trường.
Điều này khiến cơ quan chức năng không biết căn cứ vào đâu để xác định một số sản phẩm trên thị trường có phải là của Việt Nam hay không để xác định sản phầm đó vi phạm nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản Việt Nam.
Giao Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Bộ Công Thương chủ trì với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
An Linh