Bộ Công Thương khẳng định không còn thiếu xăng dầu

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước đã được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Chiều 26/12, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% và cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%). Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đạt 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD.

"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Bộ Công Thương khẳng định không còn thiếu xăng dầu - 1

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, kịch bản GDP trong công nghiệp năm 2022 tăng 6,4-7,3%, thực tế đạt tới 9% (Ảnh: Báo Công Thương).

Trong khi đó, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận phát triển ngành công thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại: năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn…

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8-9% so với năm 2022; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%.

Bộ Công Thương khẳng định không còn thiếu xăng dầu - 2

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một trong những nhiệm vụ của ngành công thương trong năm 2023 là cơ cấu lại ngành dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ảnh: Báo Công Thương).

Liên quan đến thị trường xăng dầu trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá 2022 là một năm đặc biệt khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao theo giá thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường đối với các thương nhân sản xuất.

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước đã được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.