Bộ Công Thương: Khả năng thông quan hàng hóa dịp Tết sẽ không như thường lệ

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa qua cửa khẩu biên giới sẽ không như thường lệ bởi lái xe, nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để cách ly đón Tết.

Đã khuyến cáo nhưng lượng nông sản đưa lên cửa khẩu vẫn lớn

Sau 5 ngày Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố về vấn đề này.

Trong văn bản được gửi đi ngày 23/12, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19.

Bước vào tháng 12, do dịch bệnh phức tạp, phía Trung Quốc đã tăng cường thêm các biện pháp quản lý khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm mạnh và không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng cao từ cả hai phía.

Bộ Công Thương: Khả năng thông quan hàng hóa dịp Tết sẽ không như thường lệ - 1

Toàn cảnh bãi xe Dốc Quýt, cách biên giới Hữu Nghị 7 km với hơn 1.000 xe container đang bị kẹt cứng tại đây (Ảnh: Nguyễn Bắc).

"Tuy Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo nhưng do Việt Nam vào chính vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu nên lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu, đặc biệt ở Lạng Sơn", lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo Bộ Công Thương, Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách "Zero Covid". Trong đó, có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh; lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.

Vì vậy theo Bộ này, không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa (đặc biệt là hàng đông lạnh) qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để cách ly về quê đón Tết.

"Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây", Bộ Công Thương cho biết.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nội địa

Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương được đề nghị tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Bộ cũng cho rằng cần trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (ví dụ như Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang làm rất tốt.

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Và đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh thành đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu.

Đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc

Đối với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ thực hiện một số giải pháp như trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 2 nước tại các cửa khẩu (như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa,...) nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cần được nâng cao. 

Việc cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan cần được tiến hành thường xuyên, kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý...

Theo thống kê, đến sáng  23/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.460 xe. So với 4.410 xe tồn tại thời điểm trưa qua (ngày 22/12), lượng tồn lại tăng lên 50 xe.

Trong đó, lượng tồn tại cửa khẩu Hữu Nghị là 1.447 xe (tồn tại bãi xe trung chuyển là 1.150 xe, xe hàng chờ xuất khẩu 297 xe). Mặt hàng tồn chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc...

Tại cửa khẩu Chi Ma, tồn tại khu vực cửa khẩu là 609 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn, chè khô, hạt bo bo, cau khô... Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, lượng tồn lớn lên tới 2.404 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là các loại nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài...